Trang

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông


GIÁC HOÀNG ĐIỀU NGỰ TRẦN NHÂN TÔNG
NGƯỜI SÁNG LẬP THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ
Đỗ Thanh Dương
( Hội viên Hội VHNT Nam Định)
I. Mở đầu
1. Thiền phái trúc Lâm Yên Tử là danh xưng đầy đủ của tông phái Phật giáo Việt Nam, một Phật phái do sư tổ sáng lập là người Việt Nam – Đại sĩ Trúc Lâm Đại đầu đà Trần Nhân Tông - mang đậm bản sắc Việt Nam với tinh thần sáng tạo, dung hợp và nhập thế “cư trần lạc đạo”.
Trúc Lâm là rừng trúc không chỉ có ở Yên Tử Việt Nam mà còn có thể gặp ở Nê Pan, Ấn Độ, Xơrilanca, Trung Hoa... Nếu chỉ dừng lại ở bốn chữ Thiền phái Trúc Lâm, sẽ dễ nhầm lẫn với các Thiền phái Thiền Tông - Đại thừa Trung Hoa. Vì thế, theo tôi trong các văn bản ấn loát ta nên dùng đầy đủ danh xưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
2. Theo sách Đại Nam Thiền uyển truyền đăng tập lục, dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử được truyền thừa như sau:
- Hệ thống truyền thừa trước Trần Nhân Tông gồm: Sư tổ, Thiền sư Hiện Quang, người khai sơn chùa Vân Yên; Thiền sư Viên Chứng (Thiền sư Đạo Viên, quốc sư Trúc Lâm), là học trò xuất sắc, đệ tử trưởng của Thiền sư Hiện Quang, lập am tu tập ở rừng trúc Yên Tử; Quốc sư Đại Đăng, là thầy của Vua Thánh Tông; Thiền sư Tiêu Dao (Đại sư Phúc Đường), là thầy của Tuệ Trung thượng sĩ; Thiền sư Huệ Tuệ là hòa thượng đường đầu truyền giới pháp cho vua Nhân Tông khi vua xuất gia.
- Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, người tập đại thành và sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Người là Đệ nhất Tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
- Hệ thống truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử về sau gồm: Đệ nhị Tổ - Tổ Sư Pháp Loa, Đệ tam Tổ - Tổ sư Huyền Quang, Quốc sư An Tâm, Quốc sư Phù Vân, Quốc sư Vô Trước, Quốc sư Quốc Nhất, Tổ sư Viên Minh, Tổ sư Đạo Huệ, Tổ sư Viên Ngộ, Tổ sư Tổng Trì, Quốc sư Khuê Thám, Quốc sư Sơn Đẳng, Đại sư Hương Sơn, Quốc sư Trí Dung, Tổ sư Huệ Quang, Tổ sư Thân Trú, Đại sư Vô Phiền. Như vậy, nếu tình từ Đệ nhất Tổ Trúc Lâm Yên Tử , thì đã có 17 thế hệ truyền thừa khiến cho dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử nối dài cho đến ngày nay.
II. Phần nội dung
1. Vài nét về lịch sử Phật giáo
Đạo Phật gốc ở Ấn Độ do Thích ca Mâu Ni (Sákyamuni),  khoảng 563-483 TCN, sáng lập. Phật giáo truyền vào Việt Nam thời điểm nào, đến nay vẫn còn là câu hỏi đối với các nhà nghiên cứu. Theo quan niệm Tam giáo đồng nguyên, thời điểm sớm nhất cũng vào thế kỷ thứ II và theo hai con đường: đường bộ từ Trung Hoa, đường biển từ Ấn Độ [1].
Đạo Phật phát triển vào thời Lý. Vua Lý Thái Tổ, con nuôi của Thiền sư Lý Khánh Văn và là người được thiền sư Vạn Hạnh phò tá lên ngôi Hoàng đế đã tôn đạo Phật là quốc giáo, tôn Thiền sư Vạn Hạnh là Quốc sư. Đất kinh Bắc - quê hương của vua Lý công Uẩn được xem là đất Phật đầu tiên của Việt Nam. Ngay từ ngày đầu phát triển, đạo Phật thời Lý đã bước đầu thể hiện bản sắc Việt Nam, gắn với nhu cầu tự khẳng định, ý thức độc lập tự chủ của người Việt Nam, một thứ tôn giáo có sắc thái nhập thế.
Đến thời Trần, đạo Phật càng hưng thịnh. Vua đầu triều Trần Thái Tông thời trẻ đã sùng Phật. Năm Bính Thân (1236), vào đêm mồng 3 tháng 4, nhà vua đã bỏ kinh thành đến Yên Tử, định ở lại đây để tu hành với quốc sư Phù Vân. Trong 33 năm ở ngôi và 19 năm làm Thái thượng hoàng, Ngài đã chăm lo việc nước, sửa sang lễ nghi hình luật, tu sửa Văn Miếu, mở khoa thi kén chọn nhân tài, phát triển nghề nông, coi trọng quốc phòng, lập nên nhiều chiến công hiển hách; đồng thời, ngài đi sâu nghiên cứu thấu đáo diệu lý huyền vi của nhà Phật. Các tác phẩm của Ngài: Thiền Tông chỉ nam, Tựa kinh Kim Cương tam muội, Khóa hư lục thuộc loại sách kinh điển của Phật học Việt Nam. Trần Thái Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông đều là những ông vua sùng đạo. Từ vua quan, đạo Phật đã lan rộng đến mọi tầng lớp nhân dân. Nhờ vậy, đạo Phật đã đạt đến chỗ cực thịnh. Trong bầu khí quyển “tôn tăng sùng Phật” đó, Trần Nhân Tông xuất hiện, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng Thiền mang đậm bản Việt Nam, trở thành Trúc Lâm đệ nhất tổ và được suy tôn thành Giác Hoàng Điều Ngự[2]. Lịch sử Phật giáo Đại Việt từ đây bước sang một thời kỳ mới, thời kỳ Phật giáo thống nhất mang tinh thần Đại Việt.
2. Con đường nhập Thiền của Trần Nhân Tông
Phật tổ Thích ca Mâu Ni dạy: Mọi người đều có tính Phật (Tâm bát nhã)[3]. Trần Nhân Tông là người mà tính Phật sớm phát lộ và rõ nét. Người sinh ra trong một gia đình mà ông và cha đều sùng Phật. Việc ái mộ Phật, Trần Thái Tông đã nói rõ trong Thiền Tông chỉ nam: “Thuở trẫm còn niên thiếu, hiểu biết mới võ vẽ, được nghe loáng thoáng lời dạy bảo của Thiền sư đã dập tắt ngay mọi niềm vương vấn, lòng thốt nhiên trong lặng, để tâm vào nội giáo, tham cứu đạo thiền, dốc lòng tìm thầy khẩn mộ đạo”. Còn Vô nhị thượng nhân Trần Thánh Tông thì ngay từ khi ở ngôi vua đã thường xuyên sai sứ vời Tuệ Trung thượng sĩ vào cửa khuyết đàm đạo, kính trọng tôn Thượng sĩ là sư huynh. Với một người ông, người cha như thế, cậu bé Trần Khâm nhất định sẽ sớm ham mùi vị thiền. 16 tuổi được lập làm hoàng thái tử, chàng từ chối đến ba phen. Kết duyên với Khâm từ hoàng hậu, tuy cầm sắt hòa hợp, nhưng lòng đạm bạc với nội cung. Và cũng giống như ông nội, vào giờ Tý một đêm kia, chàng vượt kinh thành ra đi, nhằm hướng núi Yên Tử để tu hành giải thoát.
Người trực tiếp ngộ đạo cho Trần Nhân Tông là Tuệ Trung thượng sĩ (tức Trần Tung, con An sinh vương Trần Liễu, anh ruột Thiên Cảm thái hậu; là người anh hùng của hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông). Trần Tung, do công trạng phá giặc, được trao chức Tiết độ sứ ở Thái Bình. Nhưng vốn người phóng túng, yêu tự do, coi “giàu sang chỉ là mây nổi” (Đốt phù vân hề phú quý), “Con đường làm quan biết bao hiểm trở” (Hồ vi hè quan đồ hiểm trở - Phóng cuồng ngâm), ông đã lui về ẩn dật ở ấp Tịnh Bang, đổi tên là hương Vạn Niên, lập trang Dưỡng Chân tham cứu đạo Thiền, ngày ngày chỉ lấy việc hứng thú với Thiền học làm vui, không hề bận tâm đến công danh sự nghiệp. Là anh ruột Thái hậu, Thượng sĩ nhiều lần gặp Trần Nhân Tông. Qua những lần được gặp gỡ, đàm đạo với người bác kính yêu, thông tuệ ấy, Trần Nhân Tông đã ngộ đạo. Trong Thượng sĩ hành trạng, Trần Nhân Tông đã nêu rõ: “Một hôm ta hỏi Người về cái gốc của tôn chỉ Thiền. Thượng sĩ ứng khẩu đáp: Phản quang tự kỷ bản phận sự, bất tòng tha đắc! (Hãy quay nhìn lại cái gốc của mình, chứ không tìm đâu khác được). Ta bỗng bừng tỉnh con đường phải đi, bèn xốc áo thờ người làm thầy”. Việc đó diễn ra vào tháng 2 năm Đinh Hợi (1287).
3. Tư tưởng Phật học của Trúc Lâm Đại sĩ Trần Nhân Tông
Trước khi đốn ngộ Chân Như, ngay từ khi còn làm Đông cung thái tử, Trần Nhân Tông đã được vua cha dày công rèn giũa, thông nội ngoại điển. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 12 năm 1274, vua phong hoàng tử trưởng Khâm làm Hoàng thái tử, chọn các nhà Nho có Đức hạnh vào dạy thái tử”. Giáo lý Khổng Mạnh chắc không xa lạ với Người. Thêm nữa, từ khi lên ngôi Hoàng đế (1278), Trần Nhân tông phải lãnh trách nhiệm lớn lao cùng Thượng hoàng cố kết sức mạnh dân tộc Đại Việt, đối phó với cuộc nam chinh của Hốt Tất Liệt. Lịch sử cho hay Thái Tông, Thánh Tông, đặc biệt Nhân Tông là những vị vua thân dân bậc nhất của các vương triều Việt Nam. Sống gần gũi với dân, Trần Nhân Tông chắc chắn tiếp nhận được đạo đức, đạo lý của dân mà điểm chói sáng là lòng nhân ái Đại Việt. Từ hai nguồn đó, Người đến với giáo lý đạo Phật. Đi tìm tư tưởng Phật học Trúc Lâm Đại sĩ, phải thấy sự hòa đồng giữa tư tưởng Nho, Phật và đạo lý Việt Nam. Tiếc rằng các tác phẩm cơ bản của Trần Nhân Tông như: Đại hương hải ấn thi tập, Tăng già toái sự, Thiền lâm thiết chủy ngữ lục đã thất truyền. Vì vậy, tìm hiểu tư tưởng Phật học của Trúc Lâm Đại sĩ chỉ có thể qua hai con đường: trực tiếp qua các tác phẩm còn lại của Người là Cư Trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca; gián tiếp  qua Trúc Lâm tam tổ và các bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, tại viện Kỳ Lân do đệ tử của Người ghi lại.
Bước đầu có thể khái quát ba điểm then chốt của tư tưởng Trúc Lâm đệ nhất tổ như sau:
3.1. Đạo pháp dân tộc
Mục đích cao nhất của các nhà tu hành Phật giáo Đại thừa là “Tự giác, giác tha’. Họ giới thí Bồ tát là để tìm con đường giải thoát chúng sinh. Sinh trưởng trong không khí thời đại “Tôn tăng sùng Phật”, lại trong hoàn cảnh “vận nước như mây cuốn”, Trần Nhân Tông tu Phật nhưng còn có trách nhiệm lớn lao đối với sơn hà xã tắc. Hàng triệu sinh linh Đại Việt đang hướng về Người mong chờ sự giải thoát nhãn tiền tránh khỏi sự hủy diệt tàn khốc của vó ngựa giặc Nguyên Mông. Hoàn cảnh lịch sử cụ thể đó khiến Người không còn sự lựa chọn nào khác là con đường “Cư trần lạc đạo”, tu Phật giữa chốn trần ai, vừa hoàn thành sứ mệnh của một vị hoàng đế anh minh, vừa thực hiện tam quy mong đắc quả thành Phật. Trần Nhân Tông đã thọ giáo Tuệ Trung thượng sĩ và giác ngộ diệu lý nhà Phât vào mùa xuân năm 1287, giữa lúc cuộc xâm lược của giặc Nguyên Mông sắp xảy ra. Lịch sử dân tộc cho hay  “Cư trần lạc đạo” là con đường duy nhất đúng với Người. Cư trần lạc đạo phú được viết trong những ngày nước sôi lửa bỏng đó. Bài phú gồm 170 câu văn Nôm và một bài kệ chữ Hán chia làm 10 hội, nội dung rất phong phú mà tư tưởng lớn là “Ở đời vui đạo”:
                              Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
                              Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
                              Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
                              Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền
Ý nghĩa bài kệ trên là lời khuyên mình, khuyên người hãy tu theo lẽ Tự nhiên “ở đời vui đạo hãy tùy duyên/đói cứ ăn đi mệt ngủ liền”. Mọi người đều có Phật tính, đó là vật báu ở trong nhà, vậy phải tìm đâu xa? Tu được cái Tâm Bình Đẳng (tâm vô sai biệt) thì cần gì phải đi tìm Thiền. Điều này cũng có trong Đàn kinh:
                              Tâm bình hà lao trì giới
                              Hành trực hà dụng tu Thiền
(Đã có tâm bình đẳng thì cần gì phải giữ gìn ngữ giới/Có tính thẳng ngay nghĩa là tâm bình đẳng thì cần gì phải đợi tu Thiền).
Phật ở ngay trong cuộc sống. Người tu Phật chân chính không tách rời cuộc sống, sống giữa cuộc đời nhiều hệ lụy mà tu hành, giải thoát mới là siêu việt. Nét đặc sắc này của Phật giáo Việt Nam đã được nói lên trong ca dao: “Thứ nhất là tu tại gia/thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa/Tu đâu bằng tu tại nhà/Thờ cha kính mẹ cũng là đi tu”; trong thơ Không Lộ Thiền sư: “Trạch đắc long xà địa khả cư/Dã tình chung nhật lạc vô dư”(Ngôn hoài).
Trần Nhân Tông là bậc tập đại thành của tư tưởng đạo pháp dân tộc, đưa Thiền Tông Việt Nam thành một tông phái Phật giáo tích cực nhập thế, được toàn thể quốc dân tin tưởng vui theo. Tư tưởng ấy được thể hiện bằng bao việc làm cao đẹp trong cuộc đời Người, tổng kết đặc sắc trong thơ văn Người. Hiểu được điều này ta thấy không có gì mâu thuẫn khi Người vừa tham Thiền, vừa lo nghĩ kế sách, họp bàn tướng lĩnh, chỉ huy quân dân đánh thắng giặc Nguyên. Người xuất gia ở Vũ Lâm tháng 7 năm Giáp Ngọ (1294) thì tháng 8 năm ấy cầm quân đánh Ai Lao. Đất nước yên hàn thì Người nhường ngôi cho con, lên danh sơn Yên Tử tu hành 12 hạnh đầu đà. Và khi đắc đạo, Người không vội hưởng quả phúc, lại áo tu nón lá vân du khắp nơi truyền đạo. Trong Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, gồm 84 câu thơ chữ Nôm và một bài kệ chữ Hán được viết khi Người đắc đạo, một lần nữa ta lại thấy tư tưởng đó.
                              Ngồi cong trần thế
                              Chẳng quản sự thay
                              Văng vẳng ngàn kia
                              Giàu lòng dong thả
                              ....Công danh chẳng trọng
Phú quý chẳng màng
Tần hán xưa kia
Xem đà hèn hạ.
Ngồi giữa trần thế mà tu hành, chẳng quản sự đời thay đổi. Ý nghĩa cuộc đời là giải thoát chúng sinh. Mấy câu thơ không chỉ thể hiện thần quang tuệ nhãn của một Bồ Tát thượng thừa, mà còn mang khẩu khí của hoàng đế anh hùng vừa lập nên võ công hiển hách. Tu hành giữa cuộc đời trần thế, tu hành mà vẫn không quên nghĩa vụ đối với dân tộc. Tinh thần đạo pháp-dân tộc sáng rõ ở Trần Nhân Tông.
3.2. Mẫu người Phật tử Đại Việt
            Con người lý tưởng mà Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hướng tới là con người kết hợp được tinh hoa của Phật và Nho với truyền thống đạo lý dân tộc. Các câu văn sau trong Cư trần lạc đạo phú nói rõ điều đó:
            Sạch giới lòng, chùi giới tướng tướng, nội ngoại nên Bồ Tát trang nghiêm
            Ngay thờ chúa, thảo thờ cha, đi đỗ mới trượng phu trung hiếu” (Hội thứ 6).
            Vâng ơn thánh, xót mẹ cha, thờ thầy học đạo
            Mến đưc Cồ, kiêng bùi ngọt, cầm giới ăn chay” (Hội thứ 7).
            Mẫu người Phật tử Đại Việt trong quan niệm Trần Nhân Tông có sự kết hợp hài hòa giữa người Bồ Tát trang nghiêm với người trượng phu trung hiếu.
Hai thế kỷ trước, trong các bài kệ của sư Dương Không Lộ và thiền sư  Quảng Nghêm, ta đã thấy hình ảnh con người tu hành thời Lý: “Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh/Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Ngôn hoài-Dương Không Lộ); “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/Hữu hướng Nhau Lai hành xứ hành” (Hưu hướng Như lai- Quảng Nghiêm). Đó là con người nảy sinh từ cuộc sống Đại Việt, có tầm vóc lớn lao và khát vọng tự khẳng định của một dân tộc đang lên mà không xa rời tinh thần “vô trước” của Phật tổ Như Lai. Sang đến thời thời Trần, thời kỳ xã hội phong kiến hưng thịnh với ba lần đại thắng đế quốc Nguyên Mông, thời của những chiến công hiển hách, con người thời đại cũng mang tầm vóc của những bậc anh hùng hào kiệt, những tráng sĩ cầm ngang ngọn giáo bảo vệ non sông: “Đoạt sáo Chương Dương độ/Cầm hồ Hàm Tử quan” (Chương Dương cướp giáo giặc/Hàm Tử bắt quân thù - Tụng giá hoàn kinh sư – Trần Quang Khải), “Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu/Tam quân tỉ hổ khí thôn ngưu” (Múa giáo non sông trải mấy thu/Ba quân khí mạnh nuốt trôi trâu - Thuật hoài - Phạm Ngũ Lão). Trần Nhân Tông đòi hỏi người Phật tử của thời đại phải kết hợp được hai mẫu người ấy. Một mặt phải “sạch giới lòng dồi giới tướng”, mặt khác phải “Ngay thờ chúa, thảo thờ cha”. Trong tâm thức của người Phật tử ấy, ở địa vị chí tôn không chỉ chói sáng hình ảnh của Đức Cồ (Phật tổ Gautama), của đức Thánh (Khổng phu tử) mà còn có cả Mẹ - Cha.
Xây dựng mẫu người lý tưởng để hoành dương Phật pháp là điều tâm niệm của Trần Nhân Tông. Bản thân Người cũng là tấm gương sáng. Để rồi các tổ kế nghiệp Người: Pháp Loa, Huyền Quang, Kim Sơn,và cả Tính Quảng, Hải Lượng sau này đã thực hiện tín niệm ấy. Họ đều từ Nho đến Phật, kết hợp hài hòa giữa Nho, Phật với đạo lý dân tộc. Điều này cũng đáng để chúng ta suy ngẫm trong sự nghiệp đào luyện con người mới ngày nay!
3.3. Con đường tu Phật
Cư trần lạc đạo phúĐắc thú lâm tuyền thành đạo ca đã dành một dung lượng lớn để thuyết minh con đường tu đến Phật.
Trong Cư trần lạc đạo phú, Trần Nhân Tông cho rằng cốt lõi của việc tu Phật là tu Tâm. Vì tất cả chúng sinh đều có Phật tính, Phật là ta.
                        Bụt ở cung nhà
                        Chẳng phải tìm xa
                        Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt
                        Đến cốc hay chỉn Bụt là ta (Hội thứ 5)
Do đó tu tâm, trau dồi đạo đức là con đường duy nhất đến Phật;
                        Miễn cốc một lòng
                        Thì rồi mọi hoặc
                        Tích nhân nghì, tu đạo đức ai hay này chẳng Thích Ca
                        Cầm giới hạnh, đoạn gian tham, chỉ thực ấy là Di Lặc  (Hội thứ 4)
Theo tinh thần “Bất chấp trước” của Phật tổ Thích Ca, Trần Nhân Tông chỉ ra có nhiều cách tu, hoặc “cư trần lạc đạo’, hoặc “náu mình sơn dã”. Tuy khác nhau về phương pháp nhưng cũng đến đích:
                        Vậy cho hay
                        Cơ quan tổ giáo
                        Tuy khác nhiều đàng
                        Chẳng cách mấy gang (Hội thứ 9)
Giữa cuộc đời đầy phiền lụy mà tu hành đắc đạo thì thật đáng trọng, đáng yêu:
Áng tư tài tính sáng chẳng tham, há vì ở Cánh Diều Yên Tử
Răn thanh sắc niềm dừng chẳng chuyển, lọ chi ngồi am Sạn, non Đông
Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc (Hội thứ 3)
            Muốn thế, người tu hành phải sống trong sạch, giản dị:
                        Trọng dạo nghĩa, khoáng cơ quan đà lọt lẫn trường kinh cửa Tổ
                        Lánh thị phi, ghê thanh sắc ngại chơi bời dặm liễu đường hoa (Hội thứ 5)
            Trong hành động hàng ngày, phải rộng lòng từ bi hỷ xả, làm việc công đức cho xã hội cũng là thêm một ước niệm trong lòng:
                        Dựng cầu đò, dồi chiên tháp ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi nội tựu tại kinh lòng hằng đọc (Hội thứ 8)
            Trần Nhân Tông quan niệm con đường tu hành hết sức linh hoạt. Tu giữa cuộc đời là một cách, nhưng nếu điều kiện cho phép, chọn được chốn am thanh cảnh vắng để tham thiền nhập định thì càng hay:
                        Núi hoang rừng lạnh ấy là nơi dật sĩ tiêu đao
                        Chiền vắng am thanh chỉn thực cảnh đạo nhân du hý (Hội thứ 10)
            Chính vì thế, cuối đời, Người đã tìm đến danh sơn Yên Tử. Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca  đã vẽ ra cảnh tu hành của chính Trần Nhân Tông.
                        Yên bề phận khó
                        Kiếm chốn dưỡng thân
                        Khuất tịch non cao
                        Náu mình sơn dã
                        Vượn mừng hủ hỷ
                        Làm bạn cùng ta
                        Vắng vẻ ngàn kia
                        Thân lòng hỷ xả
                        Thanh nhàn vô sự
                        Quét tước đài hoa
                        Thờ phụng bụt trời
                        Đêm ngày hương hảo
Con đường tu hành là cực kỳ gian khó, là khổ hạnh, chỉ dành cho những bậc chân tu dày công tâm huyết. Chính vì thế, nhiều người quy Phật nhưng số đắc đạo không nhiều. Nhưng khi đắc đạo thì vô cùng hạnh phúc. Trần Nhân Tông đã ghi lại niềm đắc thú khi đắc đạo:
                        Tuần này mà ngẫm
                        Ta lại xá ta
                        Đắc ý công lòng
                        Cười riêng ha hả
Trong các bài giảng cho đệ tử, Trần Nhân tông luôn đề cao tinh thần sáng tạo khi tham thiền và khuyên chúng sinh đừng để mê lòng vào cái tầm thường khiến ngày tháng trôi qua mà phải tinh tấn dốc lòng học đạo. Trả lời câu hỏi của một vị tăng: “Thế nào là Phật?”, Người đáp: “Hiểu theo như trước là chẳng phải”. Lại hỏi: “Thế nào là Pháp?”. Đáp: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”. Hỏi: “Thế nào là Tăng?”. Đáp: “Hiểu theo lối trước là chẳng phải”. Hỏi: “ Dùng công án cũ để làm gì?”. Đáp: “Mỗi lần nêu ra một lần mới[4].
Qua những lời đáp gần như lặp lại để gợi mở trên đây, Trần Nhân Tông khích lệ đệ tử: “Khơi dậy óc hoài nghi, phá trừ kiến chấp” theo lời Phật dạy, đồng thời phát huy ý thức tìm tòi sáng tạo của Phật tử trên con đường đốn Phật pháp. Một tinh thần tự lực cánh sinh, chuộng thực tiễn, rất Việt Nam.
4. Xiển dương tôn giáo
Noi gương Đức Thế Tôn khi đã viên thành đắc quả, Trần Nhân Tông nghĩ ngay đến việc mở rộng tăng đồ, hoằng dương Phật pháp.
4.1. Công việc đầu tiên là khai đường thuyết pháp. Tháng 10 năm Kỷ Hợi (1299), Trần Nhân Tông về danh sơn Yên Tử tu hành 12 hạnh đầu đà [5]. Ở đây, Người lập ra Chi Đề Tinh Xá, giảng pháp độ tăng.  Sau đó, Người lại đưa các danh tăng về chùa Phổ Minh phủ Thiên Trường lập ra trai đường giảng kinh thuyết pháp. Và Thiên Trường đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn giữa chốn cư dân sầm uất vùng châu thổ Sông Hồng. Mấy năm sau đó, Người cùng các tăng đồ Trúc Lâm đi vân du khắp nơi, từ Bắc chí Nam, sang đến tận Chiêm Thành. Ở đâu, Người cũng khuyên dạy dân chúng bỏ các đền miếu thờ cúng nhảm nhí, thực hành mười điều thiện, đồng thời đem pháp dược trị bệnh cho dân. Mùa đông năm Giáp Thìn (1334), Hoàng đế Anh Tông dâng biểu mời Điều Ngự vào Đại nội để thọ tâm giới tại gia Bồ Tát. Vua ban chiếu chỉ cho vương công tôn thất, bá quan văn võ sắm sửa nghi lễ rồi cùng thọ giới pháp. Với các hoạt động trên, Thiền tông Trúc Lâm đã trở thành tôn giáo thống nhất của Đại Việt. Tăng đồ Trúc Lâm trở thành tăng đoàn thống nhất mà đứng đầu với cương vị khai sáng là Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông.
4.2. Bố thí là đức lớn của Bồ Tát. Trong quá trình vân du thuyết pháp, Trần Nhân Tông có nhiều lần bố thí cho chúng sinh với nhiều hình thức. Theo Phật luận, “bố thí ba la mật” là sự bố thí cao nhất. Có ba cách: Tài thí, Pháp thíVô úy thí. Thương lê dân trong cảnh “Lửa cơ đốt thịt, dao hàn cắt da”, ở ngôi chí tôn, Người đem vàng bạc tiền lụa cấp cho dân (tài thí). Trước đó, ở Chiêm Thành xa xôi trở về, người không quản gian lao vất vả xắn tay tổ chức ngay cuộc bố thí vì dân đang đói (vô úy thí). Và Người không chỉ giảng kinh giới thí mà còn cảm hóa đệ tử, chúng sinh bằng tấm gương chí thiện của mình (Pháp thí). Đúng là việc làm và tấm lòng của một đấng Bồ Tát thượng thừa mà thế hệ sau cần suy ngẫm học theo.
4.3. Trao bát y cho người nối dòng pháp. Sau bao năm công quả xây dựng, chấn hưng Thiền phái Trúc Lâm, thống nhất Phật giáo Đại Việt, những năm sắp viên tịch, Điều Ngự rất quan tâm tìm người kế thừa tổ nghiệp. Một lần sa giá đến sông Nam Sách, Điều Ngự phát hiện ra chú bé Đồng Kiên Cương. Nhìn vào đôi mắt rất sáng của chú bé xin xuất gia, Điều Ngự lấy làm lạ, tự nhủ “đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là bậc pháp khí”. Liền vui vẻ thu nhận và trực tiếp khai thị, đặt tên đệ tử là Pháp Loa... Lúc này, bên Người còn có nhiều tỳ khưu có đức có tài như Huyền Quang, Chí Thông, Bảo Sái..., nhưng tuệ nhãn của Điều Ngự nhìn thấy ở con người này không những làu thông Kinh Tạng mà còn có khả năng tổ chức xây dựng tăng đoàn nên đã trao quyền kế vị cho Pháp Loa. Năm Đinh Mùi (1307), tháng năm, ngày rằm sau khi Bồ Tát xong, Điều Ngự cho tả hữu lui hết, rồi lấy y bát và viết tâm kệ giao cho Pháp Loa bảo phải giữ gìn. Lễ truyền tổ vị sau đó diễn ra với tính chất quan phương rất trọng thể, trước sự chứng kiến của Hoàng đế Anh Tông và văn võ bá quan, cũng là những Phật tử đã thọ Bồ tát giới. Đương nhiên, với buổi lễ truyền tổ được sự chứng kiến của Hoàng đế và các đại thần, Phật giáo đã trở thành quốc giáo thống nhất. Thiền phái Trúc Lâm do công quả không mệt mỏi của Điều Ngự, từ đây đã trở thành Tông phái duy nhất của Phật giáo Đại Việt, là cơ sở tinh thần cho sự thống nhất và phát triển Phật giáo Việt Nam nhiều thế kỷ sau.
5. Những ngày cuối đời viên tịch
Mùa thu năm Mậu Thân (1308), sau kỳ kiết hạ, trực tiếp giảng Truyền Đăng Lục ở chùa Vình Nghiêm, Lạng Giang, Điều Ngự lên ở am Tử Tiêu, danh sơn Yên Tử. Ngày người đi khắp núi non, đêm về nghỉ ở Thạch Thất. Lo cho sức khỏe của thầy, đệ tử Bảo Sát bạch: “Tôn đức xuân thu đã cao mà xông pha sương tuyết như vây thì mạng mạch Phật pháp rồi sẽ ra sao?”. Điều Ngự trả lời: “Thời tiết đã đến, ta muốn tính kế lâu dài vậy”. Đây là câu nói của một bậc thức giả tri thiên mệnh chuẩn bị cho việc hậu sự của mình. Những ngày cuối cùng của Điều Ngự được Trúc Lâm Tam Tổ ghi lại chi tiết và cảm động. Chúng tôi lược thuật như sau: Ngày 5/10, gia đồng của công chúa Thiên Thụy lên báo công chúa bệnh nặng, mong gặp Tôn Đức rồi mất. Điều Ngự ngậm ngùi bảo: “Thời tiết đó thôi”, rồi cầm gậy xuống núi, đi theo chỉ một thị giả... Dặn dò xong mọi việc, ngày 15, Người lên núi. Trên đường về, đến ngôi làng Cổ Châu, Điều Ngự viết lên vách núi bài kệ: “ Số đời mờ mịt/Tình người đôi mắt/Cung ma hồn quản chặt/Nước Phật xuân mênh mông”. Ngày 17, Tuyên Từ Hoàng Thái Hậu mời về am Bình Dương thọ trai, Điều Ngự vui vẻ nói: “ Đây là lần cúng dường cuối cùng” rồi đến thọ trai. Ngày 18, Điều Ngự đi bộ đến chùa Tú Lâm núi Kỳ Đặc Yên Tử. Người muốn lên đỉnh núi, nhưng cảm thấy đau đầu, bèn nói với hai tỳ khưu: “Ta muốn lên đỉnh Ngọa Vân mà chân không đi được nữa, biết làm sao đây? “ Hai tỳ khưu xúc động giúp thầy lên núi. Lên đến nơi Điều Ngự cảm ơn trò và dặn: “Xuống núi gắng tu hành, đừng xem việc sinh tử là nhàn hạ...”. Ngày 19 Điều Ngự gọi Bảo Sát về gấp... Ngày 21, Bảo Sát đến Ngọa Vân, Điều Ngự mỉm cười bảo: “ta sắp đi đây, sao ông đến trễ vậy, đối với Phật Pháp có điều gì chưa rõ hãy hỏi gấp đi...”. Từ đó trở đi, suốt bốn ngày liền, đất trời u ám, gió lốc thổi mạnh, mưa tuyết phủ đầy cây, vượn khỉ, chim rừng kêu ghê thảm. Ngày 1/11, lúc nửa đêm, sao trời tỏ rạng. Điều Ngự hỏi: “ Bây giờ là giờ gì?”. Bảo Sát đáp: “ Giờ Tý”. Điều Ngự đưa tay mở cửa sổ ngắm trời nói: “Đây là lúc ta đi”.... Nói xong liền nằm theo tư thế sư tử, an nhiên viên tịch .
Vén màn sương Phật thoại, ta thấy được ba điều nổi bật của nhân cách Trần Nhân Tông:
-         Con người chứa chan tình nghĩa.
-         Nhà truyền giáo tâm huyết đến phút cuối cùng.
-         Bậc thượng thừa an nhiên vào cõi viên tịch.
III. Kết luận
Đến đây ta thấy Trần Nhân Tông là nhân vật hàng đầu của Thiền Tông Việt Nam. Giác ngộ yếu chỉ nhà Phật từ ông và cha mình, trực tiếp thụ giáo và ngộ đạo từ người bác ruột, Trần Nhân Tông  đã đưa Phật giáo Việt Nam đến đỉnh cao, một tôn giáo thống nhất theo tinh thần tích cực nhập thế, tìm phương giải thoát ngay trong cõi đời theo phương châm “ở đời vui đạo”. Sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm, chọn danh sơn Yên Tử, một nơi rừng thẳm non cao, khí thiêng hội tụ, vừa gần kinh đô Thăng Long, vừa án ngữ các con đường thông thương lên biên giới phương Bắc và ra biển Đông, làm nơi tu hành và mở mang Phật pháp, Trần Nhân Tông là nhà sáng tạo lớn nhất của lịch sử Việt Nam. Đóng góp của Người ở cả hai phương diện tư tưởng và tổ chức. Những yếu chỉ của Thiền phái Trúc Lâm xuất phát từ giáo lý  Phật phái Đại thừa, được vận dụng rất sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam, trở thành nền tảng tư tưởng xây dựng và bảo vệ non nước Việt Nam trong nhiều thế kỷ. Tăng đoàn Thiền Tông Việt Nam do Người và hai đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang xây dựng ngày càng phát triển, có cơ sở đến tận mỗi làng quê. Mấy thế kỷ sau trong hàng ngũ tăng đồ, Phật tử vẫn nổi lên những nhân vật sáng chói như Ngô Thời Sỹ, Ngô Thời Nhậm (Hải Lương Thiền Sư). Điều đó chứng tỏ Thiền phái Trúc Lâm đã đi vào lòng dân Việt.
Người ta hay dùng khái niệm Đại Hùng, Đại Lực, Đại Bi để chỉ phẩm chất cao đẹp của Phật tổ Thích ca Mâu Ni. Trần Nhân Tông cũng có những phẩm chất đó.
 Người là bậc Đại Hùng, dám dứt bỏ ngôi vị cao sang, những lạc thú của cuộc sống sang giàu, lánh mình vào chốn rừng sâu núi thẳm dốc lòng tu Phật. Và khi đã tu hành đắc đạo, Người không quản vất vả gian nan, hành cước phương xa để xiển dương Phật giáo.
Người là bậc Đại Lực, làm đúng theo tình thần “Bất chấp trước” của Phật tổ, không lệ thuộc vào “ngón tay chỉ trăng”[6], Chiếc bè qua sông”[7], tự lực đi tìm con đường giải thoát và đã chính quả thành Phật.
Người là bậc Đại Bi. Vô lượng hiền từ, hải hà bao dung, suốt đời tìm cách cứu vớt chúng sinh Đại Việt và chúng sinh các lân bang, thuộc quốc khỏi vòng đau khổ. Không nghi ngờ gì khi ta nói: Trần Nhân Tông là vua Phật Việt Nam.
CHÚ THÍCH


[1] Theo Quốc sư Thông biện thời Lý, các nhà sư đến truyền giáo sớm nhất ở nước ta là: Thiền sư Mâu Báo từ Trung Hoa sang Giao Châu truyền giáo vào thời Sỹ Nhiếp và Mahakỳvực, nhà sư Ấn Độ đến luy Lâc, thủ phủ Giao Châu khoảng năm 168 – 169.
[2] Giác Hoàng: chỉ Phật tổ. Điều Ngự: một trong 10 đạo hiệu của Phật Thích ca Mâu Ni.
[3]Nhất thiết chúng sinh cầu hữu Phật tính” (Kinh Phật)
[4] Bài giảng tại chùa Sùng Nghiêm, mùa đông năm Giáp Thìn, 1304
[5] Tức 12 Phạm Hạnh để đối trị thân tâm, đoạn trừ phiền não
[6] Kinh Lăng Nghiêm: “Ví như có người lấy ngón tay chỉ mặt trăng cho người khác thì người kia lẽ ra nhân ngón tay mà thấy mặt trăng. Nếu như người kia xem ngón tay và cho đó là mặt trăng thì người ấy không chỉ bỏ mất mặt trăng mà cũng bỏ mất cả ngón tay nữa. Vì sao vậy? Vì nhận ngón tay chỉ làm mặt trăng vậy”
[7] Phật dạy: “Giáo lý của ta chẳng khác nào chiếc bè, nó dùng để cho ta qua sông, không phải để đội trên đầu, mang trên vai mãi mãi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.      Đại Việt  sử ký toàn thư, tập 2 (1998), nxb Hà Nội.
2.      Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Trần Nhân Tông, nxb Thành phố Hồ Chí Minh.
3.      Kỷ yếu hội thảo khoa học (2008): “ Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - Cuộc đời  và sự nghiệp”, Giáo hội phật giáo Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam.