Trang

Thứ Năm, 14 tháng 7, 2011

Việt phủ Thành Chương

         Việt Phủ Thành Chương nằm ở xã Hiền Ninh, Sóc Sơn, Hà Nội. Lần đầu đặt chân đến đây, không ai có thể biết rằng, 9 năm trước, toàn bộ diện tích 10.000 mét vuông của Việt Phủ chỉ là đồi trọc, đất cằn.
 
      Theo lời họa sỹ Thành Chương, từ cái bé như ngọn cỏ, đến lớn như ngôi nhà đều được mang từ nơi khác về.
 
       Ý tưởng ban đầu của họa sỹ Thành Chương là tạo dựng không gian văn hóa, nghệ thuật, tâm linh thuần Việt dành riêng cho cá nhân và gia đình, thế nhưng, sự hấp dẫn của một mô hình bảo tàng ngoài trời đã thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến đây mỗi năm.
 
 
 
     Thành công của họa sỹ Thành Chương là đã tái hiện được một không gian rất Việt, từ nhà sàn, nhà Tường Vân, rồi nhà tranh vách đất. Hồ sen, hồ sung, cùng những hàng cây cổ thụ rợp bóng. Tại mỗi điểm dừng chân, du khách được chiêm ngưỡng bộ sưu tập cổ vật độc đáo, quý giá và những tác phẩm sơn mài của gia chủ - một họa sĩ hàng đầu của hội họa dân gian hiện đại Việt Nam đương đại.
 
 
         Trong một không gian đậm văn hóa Việt, du khách còn được thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật dân tộc. Có liền anh liền chị Kinh Bắc cất những lời ca mượt mà quan họ, ca trù – những di sản văn hóa phi vật thể vừa được UNESCO vinh danh. Và có cả những tiết mục rối nước tại nhà thủy đình với những tích trò quen thuộc.
 
        Sau một buổi tham quan văn hóa tại Việt Phủ, du khách sẽ dừng chân tại nhà ẩm thực. Với thực đơn đa dạng, mỗi người có thể chọn cho mình đồ ăn, thức uống với nhiều món ăn rất Việt: nem, bún riêu, bánh đa, bánh đúc…
 
 
 
           Sau thời gian hoạt động thử nghiệm và hoàn thiện những hạng mục cuối cùng, Việt Phủ đã mở cửa trở lại và lần này sẽ đón khách với số lượng trong khuôn khổ. Mong muốn của họa sỹ và gia đình là Việt Phủ trở thành điểm tham quan văn hóa hấp dẫn của thủ đô, và là món quà ý nghĩa chào đón Hà Nội nghìn năm tuổi.
 
Dưới đây là một số hình ảnh về chuyến đi Việt Phủ Thành Chương của mình:  






Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Rau hạnh

Photobucket

Lúc nhìn thấy loại hoa này tôi cứ nghĩ đây là một loài hoa súng, bởi vì lá có xẻ rãnh chữ V, một đặc điểm đặc trưng của hoa súng. Về nhà tra mới hay loài hoa này không phải loài hoa súng. Cây hoa này có tên khoa học là Nymphoides peltata. Người Nhật gọi cây hoa này là asaza, còn người Trung Quốc gọi là "hạnh thái", tức là rau hạnh. Thoạt đầu tôi không tin cây hoa này là rau hạnh, bởi vì bài thơ đầu tiên trong Kinh Thi có nói về cây rau này:

Sâm si hạnh thái
Tả hữu lưu chi
Yểu điệu thục nữ
Ngộ mị cầu chi 

So le rau hạnh lơ thơ
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên
U nhàn thục nữ chính chuyên
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời
(Bản dịch của Tạ Quang Phát)

Theo Tạ Quang Phát, Chu Hy chú giải hạnh: rau tiếp dư, rễ mọc ở đáy nước, lá màu đỏ tía hình tròn, đường kính hơn một tấc, nổi trên mặt nước. hoặc tả hoặc hữu, vô định không thường, khi bên trái khi bên mặt, lưu thuận theo dòng nước mà hái lấy. Bài thơ này tôi đọc nhiều lần, và luôn hình dung rau hạnh là một thứ cây dài dài, nổi vật vờ theo làn nước, chứ không hình dung nó như một loại cây súng. Tôi giở quyển Thi Kinh danh vật đồ giải của Nhật ra tra, thì thấy đúng đây là rau hạnh. Tôi vẫn chưa biết cây rau này ăn như thế nào, có mùi vị ra sao. Đi một ngày đàng biết thêm bao nhiêu điều tưởng đã biết mà thực ra là chưa biết.

Photobucket

Photobucket

Thiên đường của con

      Nghỉ hè, cả nhà cho bé đi chơi Thiên đường Bảo Sơn.










      Đây đúng là thiên đường của con, ba mẹ ạ!

Mùa hè đầy nắng



Nắng quá, đứng vào đây đã nào.






Biển đẹp quá mẹ ơi, xuống tắm thôi!
Con cá ngoan lắm, nó không cắn con đâu...

Mẹ sao y bản chính đi nào


Hai anh em tạo dáng đi.

Thứ Hai, 4 tháng 7, 2011

Phù sa

      Tôi là phóng viên của một toà báo có tiếng. Công việc bề bộn nên chẳng mấy khi tôi được về thăm nhà. Mỗi lần nghĩ đến quê hương lòng tôi lại quặn thắt, vừa nhớ thương, vừa như mắc nợ. Biết được tâm sự của tôi, trưởng phòng bảo:
      - Muốn về quê hả? cho phép nghỉ 10 ngày nhé ! Hay là làm phóng viên thường trú ở địa phương đi. Mảng nông thôn ngày nay còn thiếu nhiều bài lắm.
       Vui như mở cờ trong bụng, tôi cảm ơn xếp rồi khăn gói lên đường. Quê tôi nằm ở vùng hạ lưu sông Hồng, bốn bề là nước nên có tên gọi rất đặc trưng: Giao Thủy. Ở mảnh đất đầu sóng ngọn gió, mưa nắng thất thường này cuộc sống vô cùng khó khăn. Tôi về quê đúng lúc quê tôi vừa xảy ra một trận lốc quét. Hàng trăm nóc nhà bị tốc mái. Hoa màu, cây trái bị đánh tơi tả. Nhìn cảnh quê sau trận lốc, tôi chép miệng :
       - Thế là đi toi hàng trăm héc ta hoa màu. Làng ta rồi cũng phải nghĩ đến một cái nghề nào đó, hoặc dời đi một nơi khác mà làm ăn, chứ không vào hoa màu thì…
       Ông tôi vừa vun lại mấy luống rau, vừa thủng thẳng:
     - Làm người nông dân mà không bám vào đồng đất thì chỉ có bỏ đi thôi con ạ. Nơi này tuy đầu sóng ngọn gió nhưng đất giàu phù sa. Đất còn phù sa, thì còn sống được. Mà có phải ai lên thành phố cũng sung sướng được cả đâu. Làng ta ối tấm gương tày đình ra đấy.
*  * *
     Vừa sáng sớm, mẹ tôi đã gói gém ít gạo, quả trứng, mớ rau, đội mưa ra khỏi nhà. Biết tôi ngạc nhiên, ông tôi bảo:
     - Mang cho cái Hạnh đấy. Tội nghiệp con bé, ốm đau chẳng có người chăm sóc.
      Cái Hạnh cùng trạc tuổi với tôi nhưng trông già dặn hơn. Mồ côi cha mẹ nó tần tảo nuôi em ăn học. Mấy năm liền hoa trái thất thu, nó phải bỏ làng lên Hà Nội kiếm việc lấy tiền cho em học đại học. Năm ngoái em nó đã tốt nghiệp loại ưu. Cả làng ai cũng mừng cho chị em nhà nó. Nhưng “phúc bất trùng lai”, đầu năm nay người ta mang trả về làng một con bé Hạnh chỉ còn da bọc xương và tóc thì rụng gần hết. Nhìn cảnh ấy người thì thương cảm, người thì xét nét “Nó bị lao cột sống đấy!” “Không, bị u não”, người khác nói. Kẻ ác khẩu thì bảo: “Ôi dào, bị Sida đấy mà”. Giọng buồn rười rượi thằng Hùng em con Hạnh thưa “Chị cháu muốn sống những ngày cuối cùng thật thanh thản ở quê nhà, hàng ngày nhìn các bà các cô trồng rau đi chợ”.
      Ai cũng bảo Hạnh chỉ sống được vài ngày nhưng không ngờ vẫn còn cầm cự được tới ngày hôm nay. Số tiền ít ỏi dành giụm được đã dốc hết vào mấy bệnh viện trên Hà Nội, chị em nó phải trông cậy vào bà con hàng xóm. Không biết vì tấm lòng của bà con hàng xóm hàng ngày rau cháu thăm nuôi nó, hay vì khát khao muốn được tận hưởng hết cái trong lành dịu mát ở quê hương mà sức chịu đựng của nó lại dẻo dai đến vậy.
* * *
     Chưa đầy một giờ mẹ tôi đã trở về, mắt đỏ hoe “Nó đi rồi”. Bây giờ mẹ phải lên uỷ ban báo cáo. Bên ấy mọi người cũng đã đến đông đủ. Con sang xem có giúp được gì không?”.
Cả làng tôi đưa Hạnh trong cảnh hoang tàn đổ nát sau trận lốc. Đam ma không kèn trống nhưng mắt ai cũng ứa lệ.
      Đặt bó hoa lên nấm mồ lạnh lẽo, tôi đã không cầm được nước mắt. Sống ở thành phố, kẻ có công ăn việc làm ổn định như tôi cũng phải xoay sở đủ kiểu mới trụ được. Huống chi Hạnh phải làm việc bằng hai. Năm năm ở Hà Nội nó đã vắt kiệt sức mình cho người thành thị để rồi trở về quê bằng một thân xác không hồn. Tôi nhớ đến cái Tý, cái Hoa đi làm ăn ở mạn Trung Quốc mãi chẳng thấy về. Cái Tâm chắc đang heo hắt bên Đài Loan với anh chồng thọt chân…
      Vác máy ảnh tôi theo ông và thằng Tú ra đầm vớt rau câu. Mặt trời đang lên, tôi hy vọng sẽ chụp được những bức ảnh thật đẹp và lãng mạn về cảnh và người quê tôi.
    - Nhanh nhanh lên, cô nhà báo của ông. Cháu cứ ở nhà dăm bữa nửa tháng thì còn khối chuyện để mà viết. Kia cũng là cả một câu chuyện ly kỳ đấy.
    Theo tay ông chỉ tôi gặp một ngôi nhà lá nằm chông chênh ghếch mình vào sườn đê. Có lẽ vì nó quá sơ sài nên cơn lốc hôm trước bỏ qua. Đó là nhà ông Hoà, một gia đình gồm hai vợ chồng và bốn đứa con.
Một buổi sáng mùa hè oi ả, vợ chồng ông Hoà cắm ruộng cắm nhà dắt díu nhau ra thành phố. “Phải đổi đời thôi, sống mãi ở cái đất này cực lắm. Lại còn tương lai của bốn cái tàu há mồm kia nữa chứ”. Trong bữa rượu chia tay làng xóm, ông Hoà đã cao giọng nói như vậy. Ông còn bảo: “Tôi đi trước mở đường, mai kia phát đạt sẽ về kéo các anh các chú lên ta cùng lập hội”. Ngoài sân, các bà các cô cũng đang túm tụm nghe bà Hoà kể chuyện làm ăn. “Nhà cháu đã lên khảo sát rồi, dễ làm ăn lắm cơ. Chỉ cần để cái xe ở ngã ba, vài ba mươi phút sau đã có mươi ngàn bỏ túi. Nhà cháu bảo cháu ở nhà cơm nước, chỉ mình anh ấy lo cũng đủ…”.
     Chẳng biết xoay sở thế nào mà lên thành phố chưa được hai năm ông Hoà đã mua được đất, dựng được nhà. Không ít người trong làng cũng theo ông ra thành phố kiếm sống. Các bà các cô thì mượn gương đó để trì chiết chồng con. Chỉ có các cụ là không đồng tình: “Bán gì thì bán cũng phải giữ lấy cái nóc nhà mà thờ cúng tổ tiên chứ. Cái ngữ ấy rồi cũng chẳng thọ. Cóc chết ba năm lại quay đầu về núi cho mà xem”.
Mà chưa đầu ba năm gia đình ông Hoà quay về thật. Mảnh đất ông luôn tự hào mua được rẻ ấy nằm trong quy hoạch xây dựng đường cao tốc. Thế là trắng tay. Lại thêm khoản đền bù tai nạn giao thông nữa. Ông cay đắng trở về. Mộng làm giàu tan thành mây khói.
      Ngày ông trở về không ít kẻ cười, người chê. Song dân làng tôi vốn rộng bụng, họ nói đấy rồi quên ngay. Người cây tre, kẻ bó rạ, họ vui vẻ giúp vợ chồng ông dựng tạm một nóc nhà. Đất quê tôi mỗi năm sông Hồng lại bồi thêm một bãi mới nên chẳng mấy khó khăn, nhà ông cũng có một mảnh đất để trồng cấy.
Mặt trời đã lên cao. Nắng chan hoà. Gió biển lồng lộng mang theo cái mặn mòi của muối và mùi hương ngai ngái của cây sú, cây vẹt bị sóng đánh dập. Ngoài xa đàn chim có tới hàng nghìn con đang sải cánh bay về phía Cồn Lu, Cồn Ngạn. Tôi giơ máy định chụp thì ông tôi chặn lại:
      - Xa quá không thu được đâu. Để mai ông bảo các chú biên phòng dẫn cháu ra tận nơi, tha hồ mà chụp. Bây giờ ông cháu ta phải về thôi. Buổi chiều có trận bóng đá hay lắm đấy.
       Chưa về tới làng tôi đã nghe thấy tiếng chào hỏi đon đả:
      - Ông bà đi lấy rau về rồi cơ ạ. Sao hôm nay ông lấy ít thế?
      - Lấy mớ rau về đãi cô nhà báo đây mà.
     Tôi cười ngượng nghịu.
     - Các cô, các chị hôm nay không đi chợ Bến ạ?
     - Vâng, hôm nay đi chợ nhà. Vừa nói chị vừa chỉ vào cái làn đầy vừa thịt, vừa đậu, vừa bún. Ông xã nhà tôi bảo: “Có lãi trăm lãi nghìn gì thì hôm nay cũng nghỉ để cổ vũ trong đội tuyển bóng đá Việt Nam . Người ta còn bỏ ra cả tiền triệu sang Thái Lan cổ vũ, mình nghỉ một buổi có thấm vào đâu”. Thôi tôi phải về kẻo các ông ấy mong. Hôm nay cánh buôn hến tụ tập cả ở nhà tôi.
     - Đấy cháu thấy không, bà con quê ta dù cuộc sống có vất vả đến mấy cũng không bao giờ mất đi cái tự nhiên, hồn hậu, chân tình. Sau này cháu đi đâu, làm gì, viết gì cũng không bao giờ được quên điều đó.
* * *
        Kỳ nghỉ của tôi có 10 ngày nhưng là một kỳ nghỉ đầy đủ, trọn vẹn nhất. Mấy năm nay tôi cứ mải mê chạy theo cơn lốc của những công việc, sự kiện. Chỗ này con giết mẹ, chỗ kia kẻ thất tình đâm chết người yêu. Rồi bọn buôn ma tuý phải ra hầu toà. Một loạt các công ty, nhà máy, xí nghệip thành lập rồi lại phá sản… Cứ vậy, hàng ngày, hàng giờ tôi đuổi theo nhịp sống gấp gáp của thành phố mà không biết ở quê tôi, cuộc sống vẫn tiếp diễn với những đổi thay và mất mát. Cũng giống như con sông Hồng quê tôi ngàn năm vẫn chảy mang theo bao phù sa hồi đắp cho đồng bằng ngày thêm màu mỡ. Quê tôi vùng hạ lưu chẳng bao giờ hết phù sa. Ông nội tôi bảo sắp tới Nhà nước sẽ đầu tư phát triển vùng này thành cánh đồng hoa và rau sạch xuất khẩu, bà con sẽ không phải thồ rau đi đổi gạo nữa. Đất phù sa quê tôi sẽ là gạo là vàng.
       Tôi nhắm mắt lại và hình dung cảnh quê tôi năm năm, mười năm nữa. Trước mắt tôi là một khoảng trời xanh của những luống rau được trồng theo quy trình hiện đại. Bao bọc quanh cánh đồng rau và bao quanh làng là muôn ngàn hoa rực rỡ. Và quê tôi sẽ trù phú. Ông tôi luôn nói đúng: có niềm tin và ý chí quyết tâm thì ở đâu con người cũng đứng vững được.
                                                                                               (Bài đã đăng trên báo GD&TĐ)

Khúc biến tấu giao mùa

          1.  Tháng Ba
               Mộc miên khai nụ
               Mùa xuân gọi hè

                              2.  Heo may
                                   Heo may
                                   Mùa thu trong mùa hạ

                                             3.   Sương giăng ngõ nhỏ
                                                   Lối thu về
                                                   Rùng mình chớm đông

                                                            4.  Dịu dàng áo mỏng
                                                                 Gió xuân về
                                                                 Đông sắp qua


Tôi đi bộ

      Tôi đi bộ.  Bầu trời buổi sáng trong sáng diệu kỳ! Hàng cây bên đường đua nở những lộc non mơn mởn. Dưới chân tôi nở đầy hoa. Hoa giấy tím dịu dàng, hoa gạo đỏ thắm còn ướt hơi sương. Có mùi hương nào dịu nhẹ quá! Không phải hoa chanh hoa bưởi ở vườn bà. Cũng không phải mùi hoa sữa. A, kia rồi, mấy cây nhãn đang trổ hoa chuẩn bị cho một mùa hè đầy quả ngọt. Trên cành cây, chim chóc đang đồng ca bản nhạc gọi ngày. Ông mặt trời chưa thức dậy nhưng phía Đông đã hửng sáng. Bầu trời như một mâm bạc khổng lồ.
     Tôi đi bộ. Hàng phố vẫn còn đóng cửa. Không có tiếng nhạc inh tai từ các quán Karaoke. Không có mùi nấu nướng từ các quán ăn ven đường. Không có tiếng chửi thề, đốt vía của mấy chị bán hàng. Không có bụi... Một ngày mới bắt đầu với những con người thân thiện, nồng hậu. Bác nông dân chở rau và hoa ra thành phố. Rất nhiều bạn đồng hành đang đị bộ cùng tôi. Ở phía bờ hồ, những cặp trung niên đang dìu nhau trong điệu Tănggô. Đám nam thanh nữ tú sôi nổi, khỏe khoắn trong bài Aerobic. Lũ  trẻ chơi nhảy dây, đá cầu. Ông già, bà già tập Yoga... Cuộc sống đẹp hơn với những con người khỏe khoắn, lành mạnh!
       Tôi đi bộ. Bao ý nghĩ mới mẻ diễn ra trong đầu. Tôi nghĩ về những điều giản dị diễn ra trong cuộc sống quanh tôi. Tôi nghĩ cả những điều lớn lao, những dự định. Một ngày mới bắt đầu. Ngày mới của tôi sẽ không có những buồn phiền, khó chịu. Bên cạnh tôi, người bạn đời đang mỉm cười. Chắc chàng cũng đang nghĩ về những điều mới mẻ và tốt đẹp.
 

Khúc đêm

Đêm.
Khi vũ trụ chuyển mình
Trong khoảnh khắc từ ngày này sang ngày khác
Tôi lắng nghe.

Tôi lắng nghe
tiếng gió lùa qua kẽ lá
tiếng côn trùng đặc tựa trà sen
tiếng chẳng chuộc than hoài trong đêm
vợ chồng ếch kêu ồm ộp...

Tôi lắng nghe
tiếng thở dài nẫu ruột
của bác nông dân xe rau ra thành phố,
của lũ trẻ lang thang cơ nhỡ
khắc khoải đợi một tiếng còi tàu,
tiếng hẹn hò xã giao
của khách làng chơi với người kỹ nữ,
tiếng rên rỉ dưới gầm cầu
của những kiếp người không tên...

Tôi lắng nghe đêm
Tôi gặp những ai không ngủ.
Và khi vũ trụ sập cửa,
Tôi biết đêm không bình yên.