Trang

Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Ngày xuân nhớ nhà thơ Nguyễn Bính

Tại nhà tưởng niệm Nguyễn Bính tháng 3/2012


Cảo thơm lần giở trước đèn
Đọc câu thơ cũ bên thềm gió đưa

Nhớ người trồng cải ngày xưa [1]
Nhớ người hôm sớm mong chờ bướm sang[2]
Nhớ người mơ giấc mộng vàng [3]
“Võng anh đi trước kiệu nàng theo sau”
Thương người tỉnh giấc chiêm bao [4]
Tương tư[5] không ngủ[6] trông sao[7] một mình[8]
Đề thơ trên mảnh quạt vàng[9]
Qua nhà[10] chẳng dám, nhỡ nhàng[11] tình duyên
Rượu xuân[12] một chén nhấp thêm
Một trời quan tái[13], và em uống cùng. ..

Đọc thơ thương đến lạ lùng
Bên chung trà ấm khóc cùng cố nhân
Bây giờ vạn nẻo tình xuân
Chỉ anh cô quạnh một mình mà thôi[14].




[1]  Bài Hết bướm vàng
[2] Người hàng xóm
[3] Giấc mơ anh lái đò
[4] Tỉnh giấc chiêm bao
[5] Tương tư
[6] Không ngủ
[7] Trông sao
[8] Một mình
[9] Đề thơ trên mảnh quạt vàng
[10] Qua nhà
[11] Nhỡ nhàng
[12] Rượu xuân
[13] Một trời quan tái
[14] Ý thơ bài Nhạc xuân

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Những chuyện lạ ở vườn nhà Nguyễn Khuyến

    TP - Một ngày đầu xuân về thăm ngôi nhà của Nguyễn Khuyến mà nay đã trở thành di tích lịch sử văn hoá Quốc gia ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Năm tháng trôi qua, nơi ra đời ba bài thơ Thu bất hủ không chỉ giữ được vẻ đẹp hương đồng cỏ nội mà còn nhiều chuyện lạ...
Nhà Nguyễn Khuyến
Nhà Nguyễn Khuyến.
“Giải mã” vườn Bùi
      Khu vườn trở nên xanh mướt khi bén hơi xuân. Ông Nguyễn Thanh Tùng hậu duệ đời thứ 5 của nhà thơ Nguyễn Khuyến, dẫn tôi thăm vườn. “Vườn Bùi chốn cũ; Bốn mươi năm lại lụ khụ về đây”, Nguyễn Khuyến đã viết như vậy vào năm 1884 khi vừa tròn 50 tuổi, cáo bệnh, trả chức quan tổng đốc Sơn Hưng Tuyên (Sơn Tây, Hưng Hoá, Tuyên Quang), về với mảnh đất cha ông sống cuộc đời thanh bạch, vui thú điền viên.
       Vì sao lại gọi là vườn Bùi? Ít ai để ý giữa những cây lưu niên nhãn na, vú sữa, ngâu, bưởi cùng cúc, đào, hồng, lan, có một cây vối già khẳng khiu nép ở góc vườn. Bậc túc nho Nguyễn Khuyễn vẫn thường uống thứ nước dân dã này.
        Nhưng còn một lý do sâu xa hơn thế. Quê gốc ở Treo Vọt, Can Lộc, Hà Tĩnh di cư ra Yên Đổ cho đến đời Nguyễn Khuyến thì được trăm năm. Người xứ Nghệ gọi cây vối là cây Bùi. Danh xưng vườn Bùi để con cháu không quên quê cũ.
       Cổng vào nhà Nguyễn Khuyến rêu phong, cổ kính, ở trên có ba chữ nho “Môn Tử Môn”. Ông Tùng thuyết minh: “ Môn Tử môn” có nghĩa là cửa ra vào của học trò. Đây là một lời răn dạy nghiêm khắc về đạo làm trò. Trước khi vào nhà thầy cho dù là quan lớn hay thứ dân đều phải đúng lễ nghĩa, xuống ngựa, xuống xe đi bộ vào viếng thầy.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ Nguyễn Khuyến
Ông Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ Nguyễn Khuyến.
      Cả đôi câu đối này nữa - ông Tùng chỉ tay vào cổng: “Kỳ duyên dong duy kỳ đồ ly từ/ Thiểu cáo đại khả dĩ dung tư cái” (Vào luyện đức, luyện tài để giúp dân giúp nước, sau đỗ đạt mang võng lọng mời thầy ra).
      Vào cửa “Môn Tử Môn”, trước mặt tôi là ngôi từ đường được xây theo phong cách kiến trúc truyền thống, nhưng vẫn có nét “phá cách” đầy thâm ý. Ông Nguyễn Thanh Tùng cười bảo: “Cách xây ngôi nhà này: ngoài là đại tế, trong là hậu cung. Chỉ những người được sắc phong thần thì mới được xây như thế này.
       Nhà cụ có lưỡng long chầu nguyệt, có 9 bậc. Thường thì người ta để hình lưỡng long chầu nguyệt trên nóc nhà nhưng riêng cụ lại để dưới đất. Cụ giải thích với giới chức sắc là làm như vậy để tránh nắng hướng đông và hướng tây nhưng thực ra thì “thâm ý” của cụ là vua nhà Nguyễn bán nước nên không cho cưỡi lên đầu (rồng), chỉ chầu đằng trước nhà thôi.
        Đi sâu vào từ đường, gặp những nghiên bút, sắc phong, câu đối gợi lên những lấp lánh khoa bảng một thời. Đó là tấm biển “Ân tứ vinh quy”, “Nhị giáp tiến sĩ” do vua Tự Đức ban cho Tam Nguyên Yên Đổ.
        Hậu cung vẫn còn lưu bộ triều phục của quan ngự sử Nguyễn Khuyến. Có bức tượng tạc hình Tam Nguyên Yên Đổ chống gậy trúc, khoan thai nhìn trời xanh. Cây gậy ấy là quà tặng của con trai Nguyễn Khuyến là Nguyễn Hoan sau một lần trảy kinh ứng thí.
        Chuyện rằng, trên đường về qua mạn Thanh Hóa, Nguyễn Hoan đang mải mốt về quê sau cả tháng trời lều chõng, ngang đường, có một cụ già bước đến, bảo: “Nhìn ông, tôi biết ông có cha già. Xin tặng ông cây gậy này để dâng cha!”.
         Ngôi từ đường còn giữ lại được như ngày nay là cả một kỳ tích. Năm 1947, cụ thân sinh của ông Nguyễn Thanh Tùng (hậu duệ đời thứ tư của cụ Nguyễn Khuyến) làm Tham mưu trưởng Tỉnh đội Nam Hà. Giặc Pháp biết hậu duệ cụ Nguyễn tham gia cách mạng, tìm cách rót bom xuống bắn phá. May thay, tay đồn trưởng bốt Cầu Sắt đã cấm lính của mình “không sờ vào hiện vật”.
       Tay đồn trưởng nguyên văn thế này: “Đây là đền thờ một vị thánh nho, một danh nhân, muốn sống không được đụng đến!”. Nhờ thế, dưới nền nhà, du kích đào một cái hầm bí mật để hoạt động.
Vào những năm 1950, tao đoạn loạn lạc, kẻ trộm vào lấy trộm đôi rồng nạm ngọc trong ngôi từ đường. Tên trộm chẳng bán được cho ai. Đến khi sắp chết, người này mới bảo con cháu, lấy kỷ vật ấy để trả lại cho con cháu cụ Nguyễn.
      Lại chuyện khác, cách đây mươi năm, có bà cụ 90 tuổi sai con cháu cáng đến tận vườn Bùi, đòi gặp ông Tùng cho bằng được. Bà đến mang trả một mẩu gỗ, nguyên là một câu đối của cụ Nguyễn Khuyến. Bà cụ đến xá tội vì đã trót dại lấy câu đối của cụ… đóng giường cưới cho con trai, cũng bởi cái thời kỳ gỗ lạt hiếm như gạo châu, củi quế. Ông Tùng nhận mẩu gỗ, cất giữ trong số những kỷ vật hiếm hoi còn sót lại.
“Nhân vật” chính của chùm thơ thu
    Bước ra khỏi ngôi từ đường, trước mặt tôi là “ngõ trúc quanh co” và “ao thu lạnh lẽo, nước trong veo”. Cái ao đặc trưng của vùng đồng quê chiêm trũng, nước trong leo lẻo, quả ổi vàng ruộm bên bờ rụng xuống, làm tan vỡ cả một mảnh mây trời. “Nhân vật” chính trong chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến cũng trải qua nhiều bước thăng trầm.
Ao thu lạnh lẽo
Ao thu lạnh lẽo.
     Trước, ao rộng mênh mông, chạy đến tận mép con mương bao quanh làng. Ấy vậy nên Nguyễn Khuyến đã viết: “Trước ngõ hơn chừng một mẫu ao; Cá không phải thả vẫn dồi dào; Người giàu làm chủ lời hàng vạn; Kẻ khó mua về kiếm được bao; Gạo đắt khôn xoay lo đủ bữa; Nước sâu lại gặp cảnh mưa rào; Giàu nghèo ai biết nào do số; Đừng oán sầu chi, gắng sức vào”.
     Vào thập kỷ 1960, hợp tác xã trưng dụng mẫu ao này, rồi kè bờ, đắp mảng, chia nhỏ thành dăm ba miếng. Hơn chục năm lại đây, từ khi từ đường Nguyễn Khuyến được nhà nước xếp bằng Di tích lịch sử Quốc gia, chiếc ao không còn rộng như xưa nữa, chỉ còn 6 sào, nhưng được bè bờ vuông vắn. Học sinh cấp III trường huyện đến trồng tre trúc quanh ao. Tre trúc đan cành đâm lá, tạo thành một khoảng xanh rì, ngăn với cánh đồng trước mặt, sớm trưa chiều tối tiếng chim hót rộn cả góc vườn.
     Cái ao nằm trong tính toán phong thủy của Tam Nguyên Yên Đổ. Nguyễn Khuyến mệnh Hỏa nên trấn trạch hai thủy một hỏa để cân bằng âm dương. Hai thủy gồm cái ao lớn có bờ cỏ thẳng ngăn ở giữa rồi đến cái lạch nước trong. Cái ao và lạch giống hình bút lông và nghiên mực của các nhà nho.
        Giờ đây, bên cạnh ao, lặng lẽ hiện lên chiếc chiếc bia hình bát giác khắc bài thơ “Thu Điếu” bằng ba thứ tiếng: chữ Nôm, chữ quốc ngữ và tiếng Anh. Các nhà kiến trúc Thụy Điển vượt qua những rào cản ngôn ngữ, đã yêu bài thơ đến mức thiết kế nhà 8 mái để làm sao từ “10 đến 12 giờ ánh nắng phải soi chiếu toàn bộ bài thơ thì mới xứng”. 
                                                                                                                          Kỳ Thanh
Nguồn: http://www.tienphong.vn

Thi sĩ Nguyễn Bính và con số 4 kỳ lạ


Nguyễn Bính- kí hoạ của Tạ Tý.

      




      Cuộc đời nhà thơ Nguyễn Bính hoà quyện một cách lạ lùng với rất nhiều huyền thoại. Mỗi sự cố xảy ra trong đời ông đều rất khác thường, kể cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Do đó chỉ nghe kể lại nguyên bản, không cần thêm bớt, mọi câu chuyện về ông cũng đã rất sinh động, với nhiều sắc màu lý thú, đôi khi còn nhuốm màu tâm linh.
        Kể cả đến cái chết của mình, ông cũng dự báo được và coi nhẹ tựa lông hồng. Cuộc đời ông vẫn còn hàm chứa nhiều điều bí ẩn, hấp dẫn mọi người cho đến nay. Trong đó những chuyện quan trọng nhất trong đời sống của ông đều gắn với con số 4.


4 bà vợ
          Người vợ đầu tiên, lại là kết quả của một sự cưỡng lại số phận đa sầu đa cảm của nhà thơ Nguyễn Bính, khi ông đang là cán bộ của Hội Văn nghệ kháng chiến Nam Bộ. Bởi lẽ, khoảng những năm đầu của thập kỷ 50, vùng kháng chiến gặp rất nhiều khó khăn; Nguyễn Bính bị sốt rét, thiếu ăn thiếu thuốc và có biểu hiện sa sút tinh thần. Trong khi đó kẻ địch lại ra sức dụ dỗ anh em văn nghệ sĩ đang tham gia kháng chiến bỏ về với các chiêu thức xảo quyệt. Với nhà thơ Nguyễn Bính, chúng còn treo giải thưởng, nếu ông đầu hàng thì sẽ được thưởng 1.000 đồng. Đó là một số tiền rất lớn. Vậy để giữ chân nhà thơ, tổ chức đã sắp xếp cho ông lấy bà Nguyễn Hồng Châu, một cán bộ cách mạng, có trình độ học vấn nhất định. Lẽ dĩ nhiên, ban đầu hai người còn lắm do dự, nhưng rồi cũng thuận theo cấp trên, đồng ý làm hôn lễ được tổ chức vào năm 1951.Tuy nhiên hai người chấp hành "nhiệm vụ" cũng chỉ được một thời gian ngắn, vì không có tình yêu, mặc dù đã có một con chung, tên là Nguyễn Bính Hồng Cầu. Thực ra mọi người quá lo, vì nhà thơ chẳng bao giờ có ý nghĩ đầu hàng kẻ địch, mà lại là người hoạt động rất tốt và sáng tác đều đặn rất chất lượng, trong đó có lời cho bài hát "Tiểu đoàn 307" nổi tiếng.
         Nhà thơ chỉ "thay lòng đổi dạ" khi đi sáng tác tại Cà Mau, vì đã tơ tưởng cô Mai Thị Mới, 19 tuổi, ở ấp Hương Mai, xã Khánh Lâm, huyện U Minh. Tình yêu hai người nảy nở, ngày một mặn mà, quấn quýt. Rồi nhà thơ Nguyễn Bính xin cưới cô Mới, sau khi đã có giấy ly hôn với bà Hồng Châu, vào năm 1952. Đó là câu chuyện "Hai năm đôi" của nhà thơ tài hoa và lãng tử. Mãii tới đầu năm 1954, bà Mai Thị Mới sinh con gái, đặt tên là Hương Mai. Nhà thơ rất yêu thương, chu đáo với vợ con và bạn bè. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, khi Hương Mai mới bảy tháng tuổi, ông được tập kết ra Bắc. Thời gian sau đó, lời hẹn ngày gặp mặt chẳng thành hiện thực, khi đất nước bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc.
         Do hoàn cảnh xa xôi cách trở, tin tức vợ con bặt vô âm tín, Nguyễn Bính đã có quan hệ thắm thiết với một nữ thư ký báo Trăm Hoa, nơi ông làm chủ bút, hồi 1956, tại Hà Nội. Hai người ăn ở như vợ chồng với đúng nghĩa khi sinh hạ được một con trai. Người vợ thứ ba này tên là Phạm Vân Thanh. Nhưng thật buồn, mọi chuyện đối với Nguyễn Bính chẳng khi nào suôn sẻ, bởi đến năm 1957, báo Trăm Hoa lỗ vốn nặng, tự giải thể. Chưa hết, đồng thời không hiểu vì lý do gì, bà Thanh đã trả lại con cho Nguyễn Bính rồi tìm một nơi nương tựa mới.
         Mọi chuyện đều lỡ dở, năm 1958, nhà thơ trở về Nam Định làm việc tại Ty Văn hoá Thông tin, rồi sau ít năm lấy vợ quê, coi như an phận. Người vợ thứ tư của Nguyễn Bính là bà Trần Thị Lai, rất hiền hậu nết na, được mọi người trong cơ quan và bạn bè chồng quý mến. Năm 1965, giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc ác liệt, Nguyễn Bính theo cơ quan đi sơ tán, ở huyện Lý Nhân, Hà Nam. 
Thật trớ trêu, chỉ tết năm sau, nhà thơ đã bị mất trong cơn bạo bệnh, đúng lúc vợ ông đang ở cữ sinh hạ cho ông một con trai, đặt tên là Nguyễn Mạnh Hùng.
4 người con
         Khi nhà thơ Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, cô bé Nguyễn Bính Hồng Cầu, mới lên hai, nhưng sau này đã nối nghiệp cha; có tài làm thơ và đã trở thành Phó giám đốc NXB Văn Nghệ TP.HCM, về hưu năm 2007. Cũng thời điểm này bà còn được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
        Trong khi đó, cô bé Hương Mai, con bà vợ hai của nhà thơ lại trưởng thành theo một hướng khác hẳn. Cho dù đã từng được nghe tiếng ru của người cha thân yêu, nhưng sau này Hương Mai lại trở thành một nhà giáo giỏi. Với ý thức quý trọng người cha, Hương Mai đã phấn đấu, học tập không ngừng, đã từng làm Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, rồi Trưởng ban Văn hoá - Xã hội, HĐND tỉnh Bến Tre. Năm 2009, bà về hưu. 
        Khác hẳn với hai người con gái của nhà thơ khá thành đạt trên con đường công danh, thì hai người con trai của ông lại phiêu bạt không có mấy tin tức hồi âm. Đặc biệt người con trai của nhà thơ với bà vợ thứ ba, có tên là Hiền, lại bị chính nhà thơ làm thất lạc trong cơn say rượu, ở ngay ngã năm Bà Triệu, Hà Nội, năm 1957. Coi như người con trai này mất tích cho đến nay.
      Còn anh Nguyễn Mạnh Hùng, người con trai út của nhà thơ với bà vợ thứ tư nhiều năm tháng sống và làm việc tại quê hương. Theo bia khắc đá tại Từ đường của nhà thơ, ghi lại rằng, khi đưa mộ Nguyễn Bính về tại chính vườn nhà, năm 1995, đều có mặt hai mẹ con anh chứng kiến cùng bà con họ nội. Mới đây, theo như ông Tài, em họ nhà thơ, người trông coi Từ đường và Nhà Lưu niệm Nguyễn Bính cho hay, hiện anh Nguyễn Mạnh Hùng, tính đến nay áng chừng 45 tuổi, đang làm ăn ở CLB Nga, lâu không thấy về.
4 lần di chuyển mộ
         Đây cũng là một sự lạ đối với nhà thơ lừng danh chân quê. Ngay trong Từ đường của gia đình Nguyễn Bính, có treo một bài thơ dài của Nguyễn Thế Vinh, viết về chuyện này, trong đó có câu:
"Một lần chết - bốn lần đưaTóc tang mấy độ cho vừa văn nhân…".
        Quả đúng vậy, nhà thơ mất đúng vào ngày Tết, năm 1966, lại đúng vào thời kỳ chiến tranh, nhiều người về quê hay đi sơ tán, nên đám tang ông cũng không có mấy ai. Người ta tạm chôn cất ông tại nghĩa trang Cầu Họ, cây số 13, đường 10, ngoại thành Nam Định.
       Sau này hợp nhất ba tỉnh thành Hà Nam Ninh, mộ Nguyễn Bính được chuyển về nghĩa trang Tam Điệp, Ninh Bình. Mọi chuyện tưởng thế là mồ yên sau cuộc di chuyển mộ lần thứ hai. Nhưng vì quá xa xôi, việc thăm nom, chăm sóc mộ chí ngày giỗ tết hết sức khó khăn, nên gia đình kiến nghị di chuyển hài cốt nhà thơ Nguyễn Bính về quê, đặt tại cánh đồng Mả Quan, cạnh mộ ông nội.Đó là lần thứ ba nhưng đâu đã ổn. Bởi lẽ không hiểu xuất phát từ đâu và vì lẽ gì, mà gia đình ông lại xin chính quyền địa phương cho di mộ nhà thơ về ngay chính trên vườn nhà, nơi ông được sinh thành. Thêm một sự lạ, bởi lẽ đây là một ngôi mộ danh nhân, có một không hai, được chôn cất ngay tại giữa làng. Từ xưa chẳng bao giờ và nơi nào có tiền lệ như vậy.
Đúng là "quá tam" đã thành bốn lần, ngôi mộ nhà thơ Nguyễn Bính mới được bình yên. Đúng là:
Long đong kiếp sống đã đànhGian nan cả lúc đã thành người xưa
                            (Nguyễn Thế Vinh)
        Nhưng, chính vì ngôi mộ của nhà thơ nằm ngay tại vườn nhà chăng, mà hiện không có ai sinh sống, trông nom ngôi Từ đường và Nhà Lưu niệm của nhà thơ. Ngay bà Nguyễn Thị Yến, em ruột nhà thơ, là người có công lớn xây dựng ngôi nhà này, cũng chỉ ở một thời gian rồi ra Hà Nội làm ăn.
4 nơi lưu giữ kỷ vật
        Ngay bên cạnh mộ, là ngôi Từ đường và Nhà Lưu niệm của nhà thơ Nguyễn Bính. Nhưng thực ra nơi này chỉ có tủ sách nhỏ, lèo tèo độ mươi tài liệu, và cũng chẳng quý giá gì. Bên cạnh đó, bàn thờ Nguyễn Bính còn sơ sài. Chỉ có hai thứ có thể coi là kỷ vật: Một,  phía trên bàn thờ là giấy chứng nhận "Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật", do Nhà nước truy tặng ông năm 2000.Hai, chiếc điếu cày, mà nhà thơ thường dùng. Nhưng riêng chiếc điếu cày lại có vẻ còn mới nhưng đã nứt, cùng với guốc điếu lại quá sạch, tạo nên sự nghi ngại về sự thật của nó? Với số tài liệu ít ỏi đó không thể coi đây là một Nhà Lưu niệm với đúng nghĩa của nó, đối với nhà thơ được cả nước yêu mến như vậy. Hiện ngôi Từ đường và Nhà Lưu niệm này phải nhờ người em họ ở gần đó trông nom giúp, mỗi khi có người đến thăm viếng thì mới đến mở cửa cho vào, đã tạo nên sự hoang lạnh, tiêu điều.
        Những cái thiếu hụt trên về Nhà lưu niệm Nguyễn Bính, phần nào được khắc phục ở địa chỉ thứ hai; đó là ngôi nhà số 23, đường 11, phường 11, quận Gò Vấp, TP HCM, do nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, con gái đầu của nhà thơ Nguyễn Bính gây dựng nên. Diện tích của phòng trưng bày chỉ khoảng 30 m2, nhưng với cách bài trí đẹp và tận dụng nhiều diện tích, nên bà Hồng Cầu đã lưu giữ được hàng trăm tài liệu, bút tích của người cha, cùng với những kỷ niệm của bạn bè, đồng nghiệp với nhà thơ. Đồng thời đây cũng là một địa chỉ sinh hoạt của các nhà văn, nhà thơ và bạn bè yêu quý thơ Nguyễn Bính. 
        Còn thêm nữa, Nhà Lưu niệm thứ ba về nhà thơ mới hình thành của Trường THPT Nguyễn Bính, huyện Vụ Bản, ở khá gần làng Thiện Vịnh, quê nhà thơ. Nhà Lưu niệm này được sự góp sức ban đầu của nhà thơ Gia Dũng, với 800 trang bản thảo, kết quả sau bao năm ông nghiên cứu và sưu tầm về Nguyễn Bính. Cùng với tác giả Gia Dũng, còn có các ông Đặng Khánh Cường, họa sĩ Anh Vũ và CLB "Chân quê thi hội" ở Hải Phòng…Xem ra với căn phòng rộng tới 60 m2 của nhà trường cũng sẽ là một địa chỉ văn hoá rất phong phú về nhà thơ Nguyễn Bính.
         Và, cuối cùng vẫn còn một nơi lưu giữ kỷ vật của Nguyễn Bính nữa, đó là Bảo tàng Văn học của Hội Nhà văn Việt Nam. Tại địa chỉ thứ tư này, gần đây xin được chiếc bàn gỗ mà nhà thơ đã sáng tác những bài thơ vận động kháng chiến tại xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn sưu tầm được những di bút cùng chiếc lư hương và cây bút lông của nhà thơ hay sử dụng ngày nào…
          Như vậy, hiện có tới 4 nơi lưu giữ tài liệu và kỷ vật về nhà thơ, xem ra quá tản mạn, mà mỗi nơi đều không đầy đủ. Thậm chí rất có thể có những sự không nhất quán về những thông tin, tài liệu và kỷ vật này. Nên chăng, Bảo tàng Văn học cần đứng ra làm công việc kiểm chứng, đánh giá chúng, lập hồ sơ cho mỗi kỷ vật và định hình cho mỗi địa chỉ lưu giữ trên, theo một tiêu chí nào đó. Bởi lẽ nếu đúng là Nhà Lưu niệm thì chỉ thuộc về chính nơi ông được sinh ra và lớn lên: làng Thiện Vịnh, xã Cộng Hoà, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, mà thôi.
12/2010  Lưu Kường


                                    Nguồn:   http://antgct.cand.com.vn                                                                                               

Con ốm

                   Ngủ đi nào ngủ con ngoan
                   Sao tiếng thở con khó nhọc
                   Bao nhiêu cánh cò cánh vạc
                   Đã theo mẹ vào lời ca

                   Sao con cứ thở hắt ra
                   Sao cứ nhìn mẹ không chớp
                   Người con nóng như lửa đốt
                   Mà đêm cứ dài mãi ra

                   Thương con mẹ giận chiều qua
                   Mắng con chán ăn lười học
                   Cái roi bữa chiều ba vọt
                   Giờ đau thắt lòng mẹ cha.

Được ốm


             Bao năm về làm vợ anh
                Hôm nay được ngày em ốm
                Nhìn mình luống ca luống cuống
                Lau nhà cơm nước mà thương.
                             (Bao năm về làm vợ anh
                             Em đã thêm nhiều chức mới
                             Cô dâu ngày nào thơ dại
                             Giờ  đây thay mẹ quản gia
                             Rồi anh lên chức làm cha
                             Em- mẹ của hai đứa trẻ
                            Chăm ăn, lo cho con khỏe
                             Em thành cô giáo mến yêu
                             Rồi khi con ốm, mình đau
                            Em lại biến thành bác sĩ
                             Một mình bao nhiêu chức thế
                            Làm sao ốm được cho đành).
                Bao năm về làm vợ anh
                Bây giờ con mình đã lớn
                Thì em thử làm người ốm
                Để được chăm sóc...được yêu
                                (Hai con quấn quýt sớm chiều
                                Đưa vai mẹ đây con bóp
                               Cún em thì xin múa hát
                               Mẹ cười cho khỏi cái đau
                               Bố mình đã sẵn cơm rau
                               Mời mẹ dậy ăn cho nóng
                                Rồi pha trà, rồi lấy thuốc...
                                Bệnh nào mà chẳng sớm qua)
                Bao năm về làm vợ anh
                Bây giờ một lần được ốm
                Nằm nghe ngôi nhà thân thuộc
               Thấy ngàn tiếng nói yêu thương.

Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Nhà văn Nam Cao về với quê hương


Chuẩn bị cho chuyến đi thực tế về quê hương ba nhà văn, nhà thơ  nổi tiếng: Nguyễn Khuyến, Nam cao, Nguyễn Bính, Hiểu Anh's  Blog cập nhập một số thông tin về ba tác giả này.
         Kể từ khi cha tôi hy sinh (20-11-1951), nỗi khát khao thường trực của mẹ tôi là, bằng cách nào để đưa được cha tôi về an nghỉ tại quê hương. Vậy nên, vừa yên tiếng súng ở miền Bắc, lập tức mẹ nhào ngay vào xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, nơi cha tôi bị quân thù sát hại – với hy vọng sớm thực hiện được ước muốn của mình, càng nhanh càng tốt.

        Nhưng khi vừa tới nơi hy sinh của chồng, thu thapạ những nguồn tin từ nhân dân địa phương, mẹ tôi vô cùng thất vọng nhận ra rằng: với hoàn cảnh hy sinh của cha tôi, ở vào thời điểm ấy không thể xác định được, đâu là hài cốt của người. Vì cha tôi hy sinh cùng đồng đội, đúng lúc cuộc chiến ở vào giai đoạn ác liệt nhất. Bọn địch vô cùng hung hãn, dã man, chúng giết hại các chiến sĩ Cách mạng xong, lại ngăm cấm đồng bào mai táng cho người quá cố. Do vậy đồng bào phải lén lút đóng bè chuối, chở thi thể các ông qua cánh đồng trắng nước đến mai táng ở một hố vôi bên đường số Một, không gỗ ván, mà lại những bốn thi thể trong một nấm mồ.

         Kể từ ngày ấy, suốt mấy chục năm ròng rã, lúc nào mẹ tôi cũng ngậm ngùi xa xót… Rồi chúng tôi lớn lên, nỗi day dứt âm thầm của mẹ lại truyền sang các con. Chúng tôi luôn nhủ với lòng mình: Nhất định phải thực hiện bằng được ý nguyện của mẹ. Lại cũng thật may mắn làm sao, khi nỗi trăn trở của chúng tôi được bầu bạn, đồng nghiệp của cha tôi biết và cùng vào cuộc với gia đình. Vào đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, nhiều cơ quan ngôn luận, nhiều nhà văn, nhà báo đã nhắc lại những khát vọng của mẹ chúng tôi. Những bài báo của các anh Tô Hoàng, Bế Kiến Quốc, Tạ Duy Anh… đã gây một tiếng vang rất lớn, để rồi có được chương trình “Tìm lại Nam Cao” do Hội Nhà văn Việt Nam và Hiệp hội UNESCO Việt Nam đồng khởi xướng, với ngót bốn mươi đơn vị nhiệt tình đăng ký cùng tham gia.

          Sau khi xác định địa điểm hy sinh của cha tôi là xã Gia Xuân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, chương trình “Tìm lại Nam Cao” đi sâu tìm hiểu và biết rằng: trải qua ba lần di chuyển hài cốt, do bão lụt, sơ đồ mộ chí đã bị thất lạc, cho nên hài cốt của nhà văn Nam Cao có thể nằm trong số 48 ngôi mộ ở nghĩa trang xã Gia Thánh chuyển vào nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

        Đến đây, Ban Tổ chức chương trình quyết định tiếp tục tiến hành theo hai bước:
Bước một: giai cho cơ quan Liên hiệp Khoa học Công nghệ Thông tin ứng dụng (đơn vị đăng ký cùng tham gia chương trình) mời bảy nhà ngoại cảm đi tìm kiếm. Chủ lực là nhà ngoại cảm Bích Hằng.

       Bước hai: Khai quật bộ hài cốt do các nhà ngoại cảm là của nhà văn Nam Cao, đưa về Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an để thẩm định lại.

         Để thực hiện bước một, vào ngày 14-11-1996, mỗi nhà ngoại cảm đều nhận ở gia đình một tấm ảnh của cha tôi. ở phía sau ảnh ghi ngày, tháng, năm sinh, ngày, tháng, năm mất và quê quán cua người. Các nhà ngoại cảm tìm cách tiếp cận với người đã khuất theo cách riêng để tìm kiếm thông tin. Tiếp theo, vào buổi sáng ngày 24-11-1996 tại hội trường Uỷ ban Nhân dân huyện Gia Viễn và buổi chiều tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Viễn, các nhà ngoạic ảm làm việc với các thành viên chương trình “Tìm lại Nam Cao” cùng gia đình nhà văn và rất đông người dân địa phương nơi cha tôi hy sinh cũng có mặt.

         Những thông tin được các nhà ngoại cảm đưa ra là:
- Hài cốt cha tôi ở trong ngôi mộ số 305 hoặc 306.
- Cha tôi bị bắn một phát vào đầu và một phát nữa làm gãy hai xương sườn.
- Hài cốt cha tôi bị lẫn xương đùi (hai chân đều bên phải).
- Tiểu của cha tôi có một vết nứt dài nằm ở phía bên phải.
         Tiếp đến, vào ngày 24-12-1996, Chương trình có buổi làm việc tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam, để soát xét lại các thông tin đã thu thập được và quyết định khai quật mộ nào để thẩm định. Hôm ấy gia đình quyết định xin được khai quật hai ngôi mộ 305 và 306 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Gia Viễn, để đưa về Viện Khoa học Hình sự giám định lại. Ban Tổ chức chương trình đồng ý và chỉ rõ thêm:

+ Tiến trình bốc mộ thực hiện theo phương pháp truyền thống, dân gian: đặt lễ, dâng hương… (làm vào ban đêm).
+ Trước khi bốc, đại diện các cơ quan lập biên bản nêu rõ hiện trạng hài cốt, từng phần mộ riêng, rồi bàn giao cho Viện Khoa học Hình sự.
+ Thời gian them định tại Viện Khoa học Hình sự là hai tuần.
+ Quá trình thẩm định, Viện Khoa học Hình sự được mời chuyên gia giỏi (kể cả chuyên gia nước ngoài).
+ Nếu đúng là hài cốt nhà văn Nam Cao thì đưa về quê an nghỉ. Nừu không đủ điều kiện kết luận, Ban Tổ chức sẽ trả lại nghĩa trang liệt sĩ, theo đúng nghi lễ hiện hành.

      Dù mọi việc chuẩn bị chu đáo, cặn kẽ, song còn trải biết bao khó khăn vất vả nữa, cho đến ngày 8-1-1998, bước thứ hai là khai quật hài cốt để đưa về Viện Khoa học Hình sự thẩm định mới được tiến hành. Và chỉ khai quật mộ 306.

      Rạng sáng ngày 8-1-1998 là một ngày vỡ oà niềm vui ban đầu đối với chúng tôi và những người yêu mến nhà văn Nam Cao. Bởi, lúc 3 giờ 45 phút, nắp tiểu vừa được mở ra, hai hàm răng của cha tôi còn nguyên vẹn. Cái răng cửa cạnh răng nanh bị gẫy từ ngày cha còn sống, nhìn rõ phần lợi. Chú ruột tôi vừa khóc nức nở vừa nói: “Đúng anh tôi đây rồi! Anh ơi! Chị và các cháu lận đận đi tìm anh suốt mấy chúc năm qua. Nay thì được gặp anh thật rồi!”. Còn đồng chí thượng tá công an giám định viên pháp y Trần Đức Đĩnh, ngắm nghía hộp sọ một lúc rồi chỉ vào tôi nói: “Người liệt sĩ này rất giống bà kia!”. Một người nào đấy đứng gần chúng tôi thủng thẳng: “Cha con lại chả giống nhau thì sao”. Hai cô em dâu của tôi (đều không biết mặt cha chồng từ trước) cũng kêu lên: “Răng chị Hồng giống hàm răng của ông quá đi mất”.

      Hài cốt cha tôi được đưa về Viện Khoa học Hình sự lúc 7 giờ sáng thì 14 giờ ngày hôm đó, thượng tá Trần Đức Đĩnh đã gọi điện đến nhà Mai Thiên (em tôi) ở Hà Nội để thông báo sơ bộ. Thượng tá Đĩnh bảo: “Người liệt sĩ này cao từ 1m73 đến 1m75, tuổi đời khi mất chừng 35 đến 40, hàm răng bị hơi vổ, có một chiếc răng cửa cạnh răng nanh bị gẫy từ trước lúc mất”. Nôn nóng muốn biết thông tin rõ hơn, mấy chị em tôi lên xe ôtô đến Viện Khoa học Hình sự. ở đây, thượng tá Đĩnh còn chỉ cho chúng tôi vết đạn bắn vào đầu cha tôi và cái xương đùi bị lẫn (như nhà ngoại cảm Bích Hằng đã nói trước đây).

       Sau hai tuần Viện Khoa học Hình sự thẩm định, biết chắc đây chính là hài cốt cha tôi, Chương trình “Tìm lại Nam Cao” đã đưa người về quê hương an nghỉ vào ngày 18-11-1998. Nơi cha tôi nằm là mảnh đất rộng 4 ha ngay cạnh đường liên huyện, bên dòng Châu Giang êm đềm, xung quanh là vườn chuối ngự, đặc sản của quê hương, ngày xưa dùng để tiến vua. Cũng chính trên mảnh đất đó, ngày xưa từng có ngôi nhà gỗ năm gian của gia đình tôi toạ lạc, nơi cha tôi nhiều năm ngồi viết văn ở đấy và nếm trải những thăng trầm của tuổi trẻ.

        Ngày cha tôi về quê, suốt chặng đường xe chạy ở tỉnh Hà Nam, cờ Tổ quốc toả rợp, phấp phi bay trên bầu trời trong xanh lộng gió. Các đồng chí công an quân phục chỉnh tề, trang nghiêm chào đón. Nhân dân có mặt ở ven đường rất đông, mọi người đều rưng rưng như được đưa người thân về với gia đình… Đúng 8 giờ sáng, đoàn xe chở hài cốt nhà văn về đến địa điểm an nghỉ. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo địa phương, họ hàng thân thích, bầu bạn của cha tôi và gia đình, dân làng, xóm giềng đã tề tựu đông đủ. Lễ truy điệu người được cử hành trọng thể trong tiếng nhạc trầm hùng. Dự buổi lễ có giáo sư Phạm Huyễn Chủ tịch Hiệp hội UNESCO Việt Nam. Nhà văn Nguyễn Đình Thi Chủ tịch Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng các nhà văn, nhà thơ lão thành Tố Hữu, Kim Lân… Đại diện các cơ quan Thương binh xã hội, Viện Khoa học Hình sự, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, lãnh đạo huyện Lý Nhân, xã Hoà Hậu quê hương của nhà văn.

       Ngày trở về quê hương của cha tôi đã mang lại niềm vui an ủi to lớn cho mẹ con tôi cùng toàn thể gia đình. Nhưng đến nay, niềm vui của chúng tôi còn được nhân lên gấp bội. Bởi vào năm 2001, để ghi nhận công lao của cha tôi đối với Tổ quốc, nhân dân và những đóng góp của người vào nền văn học nước nhà. Chính phủ đã đầu tư kinh phí, để tỉnh Hà Nam xây nhà “Tưởng niệm Nam Cao” ngay bên khu đất có ngôi mộ của người. Với sự quan tâm của Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, huyện uỷ – Uỷ ban Nhân dân huyện Lý Nhân, Đảng uỷ – Uỷ ban Nhân dân xã Hoà Hậu, cùng các cơ quan choc năng; Sở Văn hoá Thông tin, Bảo tàng tỉnh Hà Nam và rất nhiều tập thể, Nhà xuất bản và sự nỗ lực của gia đình. Nhà “Tưởng niệm Nam Cao” được mở cửa vào ngày 30-11-2004 là ngày giỗ lần thứ 53 của cha tôi.

       Cho tới hôm nay, với tình thương mến nhà văn Nam Cao, biết bao người vẫn luôn quan tâm đến nhà “Tưởng niệm Nam Cao”. Vì vậy, cứ có dịp là lại tặng gia đình hiện vật, tài liệu… để Nhà Tưởng niệm trưng bày. Gần đây nhất là Phó giám đốc Nhà xuất bản Kim Đồng Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng vừa tặng sách, tặng ảnh thuộc bộ sách “Nhà văn của em”. Do vậy, đã thúc đẩy trong đó có quyển Nam Cao nhà văn của những kiếp sống mòn.

       Hoạ sĩ Tô Chiêm cũng ở nhà xuất bản Kim Đồng cũng vừa tặng gia đình tấm ảnh quý: ảnh Hội nghị Văn hoá Cứu quốc diễn ra vào năm 1946 trong đó có mặt nhà văn Nam Cao.
Rồi chị Bích Thu cán bộ Viện Văn học Việt Nam cũng không quên gửi tặng gia đình những cuốn sách Nhà xuất bản Giáo dục mới in Nam Cao tác phẩm chọn lọc do chị viết lời giới thiệu Những trang văn còn mãi với thời gian.

      Còn nhiều lắm những tình cảm của mọi người dành cho nhà văn Nam Cao. Thay mặt người cha đã khuất, con gái nhà văn Nam Cao xin được ngàn lần cảm tạ những tấm lòng vàng đó.

  Con gái nhà văn Nam Cao
Trần Thị Hồng


Nguồn: Văn nghệ