Trang

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Tìm hiểu địa danh thành phố Nam Định qua một bài thơ

THÀNH NAM BỐN CHỤC PHỐ PHƯỜNG


(Nam Thành Cảnh Trí) 
Thành Nam cảnh trí an bài
Phố phường trên bộ, vạn chài dưới sông.
Nhất thành là phố Cửa Đông,
Nhất lịch Hàng Lọng, Hàng Đồng thanh tao
Hàng Giầy đẹp khách yêu đào,
Muốn tìm quốc sĩ thì vào Văn Nhân
Ba năm một hội phong văn,
Lại lều lại chõng về thăm Cửa Trường
Ngọt ngào lên đến Hàng Đường
Say sưa Hàng Rượu, phô trương Hàng Cầm.
Vải Màn nhỏ chỉ, nõn bông,
Hàng Cấp dệt lĩnh, Hàng Song buôn thừng.
Thơm ngon Hàng Lạc, Hàng Vừng,
Hàng Nâu tươi vỏ đỏ lòng vốn quen,
Hàng Vàng lắm bạc nhiều tiền,
Hàng Sơn gắn bó gần bên Hàng Quỳ
Trăm năm nghĩa bạc tình ghi
Hàng Đàn, Hàng Ghế chung nghề làm ăn,
Hàng Tiện, Hàng Sũ, Hàng Mâm
Gặp nhau Bến Gỗ, vui sân một nhà,
Hàng Cót, Hàng Sắt bao xa
Ai về Bến Ngự rẽ ra Khoái Đồng.
Cột Cờ lên đó mà trông,
Đò Chè, Bến Thóc bên sông cắm sào.
Phố Khách buôn bán vui sao,
Lợi quyền chểnh mảng nỡ trao tay người.
Hàng Dầu, Hàng Mũ, Hàng Nồi
Hàng Bát, Hàng Thiếc, lên chơi Hàng Thùng
Hàng Cau, Hàng Nón tưng bừng,
Thành Nam văn vật lẫy lừng là đây
Lang sa có mặt từ ngày,
Đỏ đèn Bến Củi đoạ đày hồng nhan.
Hàng Thao tấp nập canh tàn,
Tám nghề, bảy chữ mở hàng phấn son
Đình tàn cây quế héo hon,
Giáo phường cốt cách chẳng còn như xưa,
Liễu đào trải mấy nắng mưa,
Cầm tan phách lỗi đã thừa xót xa
Trông về đất cũ quê nhà,
Lò Trâu, Bến Nứa thật là đau thương
Ao tù Thượng Lỗi chán chường,
Tịch điền Năng Tĩnh âm hồn oán ma.
Cổng Hậu, Ngã Sáu, Cầu Gia,
Trường Thi phút chốc hóa ra hận trường,
Hắt hiu Văn Miếu cổ tàn,
Dường như sĩ tử thở than lỗi thời,
Võ Miếu bày đặt nực cười
Thánh Trần sao lại cùng ngồi Thánh Quan?
Đền Ông hương khói mơ màng,
Chùa Rào cùng với Cửa Nam tơi bời.
Phù Long, Đồn Thủy qua chơi
Quê hương đất cũ ngậm ngùi tàn canh,
Non xưa nước cũ tan tành,
Nào ai phá lũy, dâng thành là ai?



(Nguồn: Bảo tàng Nam Định

Địa danh hành chính tỉnh Nam Định

         Địa danh hành chính “Tỉnh Nam Định”được chính thức đặt tên vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Tìm hiểu địa danh Nam Định trước hết ta lần theo những trang thư tịch cổ. Theo sử sách đất Nam Định thuộc phủ Thiên Trường xưa. Phủ Thiên Trường được lập ra vào thời Trần. Trước thời Trần, vào thời Lý thì Nam Định thuộc đất Hải Thanh. Nhà Trần đổi Hải Thanh thành Thiên Thanh. Năm Thiên ứng Chính Bình 38 (1239) vua Trần Thái Tông sai Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu về xây hành cung Tức Mặc. Đến năm Thiên Long thứ 5 (1262) Nhâm Tuất, tháng hai, Thượng hoàng Trần Thái Tông lại về thăm quê. Sau chuyến đi này nhà Trần đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường. Tại cố hương Tức Mặc xây cung Trùng Quang giành cho Thượng hoàng, cung Trùng Hoa cho vua. Bao quanh cung điện của Hoàng thượng và nhà vua có các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ là để giành cho gia đình các hoàng thân, quốc thích.          
          Nhà Trần suy vong, quân Minh Xâm lược đổi tên các phủ, huyện. Phủ Thiên Trường bị đổi thành phủ Phụng Hoá. Cuộc kháng chiến của Lê Lợi thắng lợi, nhà vua cho lấy lại tên cũ của các phủ, huyện. Đến niên hiệu Quang Thuận vua Lê Thánh Tông đổi Thiên Trường phủ thành Thiên Trường thừa tuyên. Sang niên hiệu Hồng Đức chia các khu vực trong nước thành xứ thì đất Thiên Trường thuộc xứ Sơn Nam, sau lại đổi thành lộ Sơn Nam. Đời vua Lê Hiến Tông, năm Cảnh Hưng 2 (1741) lại chia các xứ ra cho nhỏ đi để quản lý. Sơn Nam thành xứ Sơn Nam Thượng và Sơn Nam Hạ. Đến nhà Tây Sơn đổi xứ Sơn Nam Hạ thành trấn Sơn Nam Hạ. Nhà Nguyễn dựng nghiệp vẫn giữ các đơn vị hành chính như thời Tây Sơn. Phủ Thiên Trường thuộc trấn Sơn Nam Hạ. Trấn Sơn Nam Hạ có 5 phủ gồm 19 huyện, 150 tổng, 1.189 xã, thôn, phường, ấp, trại. Phủ Thiên Trường có 4 huyện, 34 tổng, 313 xã, thôn, phường, trại.         
         Năm Minh Mạng thứ 3 cải cách hành chính đặt ra trấn Nam Định. Trấn Nam Định vẫn gồm 5 phủ. Đến năm thứ 13 (1832) mới đặt tên tỉnh Nam Định. Tỉnh Nam Định lúc bấy giờ gồm đất Nam Định ,Thái Bình và một phần đất tỉnh Hưng Yên ngày nay. Năm 1890 chia Nam Định thành hai tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình. Tỉnh Nam Định gồm hai phủ là phủ Thiên Trường và phủ Nghĩa Hưng. Phủ Thiên Trường có 4 huyện là: Mỹ Lộc, Thượng Nguyên, Tây Chân (Nam Chân) và Giao Thuỷ. Cuối thế kỉ 19 thành lập thêm huyện Hải Hậu (1888). Phủ Nghĩa Hưng gồm các huyện: Thiên Bản, Vọng Doanh, Ý Yên và Đại An. Đến thời Tự Đức đã có những thay đổi như điều chỉnh địa giới một số huyện, tổng, xã cho phù hợp để quản lý. Đổi tên phủ Thiên Trường thành phủ Xuân Trường, huyện Thiên Bản thành huyện Vụ Bản. Còn những tên tổng, xã làng nào phạm huý đều phải đổi như Cao Hương, Hương Nhi, Hương Bông đều đổi “Hương” thành “ Phương”v. v.           
          Phủ Thiên Trường nằm phía đông dọc theo dòng sông Hồng từ huyện Mỹ Lộc, Thượng Nguyên xuống Tây Chân, Giao Thuỷ. Phủ Nghĩa Hưng dọc theo dòng sông Đáy từ huyện Ý Yên, Vọng Doanh, Thiên Bản xuống Đaị An. Do địa hình kéo dài từ bẵc xuống nam nên các huyện phía trên (bắc) là đất cổ còn các huyện phía dưới (nam) là đất bồi được khai khẩn muộn hơn. Các huyện Mỹ Lộc, Thượng Nguyên (phủ Thiên Trường) và Thiên Bản (Vụ Bản), Ý Yên, Vọng Doanh ( phủ Nghĩa Hưng) có nhiều địa danh cổ. Những địa danh thuần Việt cổ chỉ xuất hiện ỏ các huyện phía bắc tỉnh.         
             Từ xa xưa làng được gọi là “kẻ” như: kẻ Hầu là làng Hào Kiệt, kẻ Báng là làng Kim Bảng, Kẻ Dầy là làng An Thái ... Vùng đất từ bờ sông Đào lùi xuống phía nam từ “kẻ” biến âm thành “cổ”: “kẻ Si” là làng Cổ Sư , rồi Cổ Chử, Cổ Nông, Cổ Da…trong dân gian có câu rằng:
Thiên Bản lục An, Nam Chân thất Cổ
Nam Chân thất Cổ, Giao Thuỷ lục Hoành         
            Nghĩa là huyện Thiên Bản có 6 làng An đó là: 1.làng An Cự, 2.làng An Duyên ( tổng An Cự), 3.làng An Lạc (tổng Đăng Côi), 4. làng An Nhân (tổng Trình Xuyên), 5. làng An Thái (tổng Đồng Đội), 6.làng An Thứ (tổng Hiển Khánh). Còn Nam Chân thất cổ là huyện Nam Chân có 6 làng Cổ và tổng Cổ Da là bẩy: 1.Cổ Cao, 2.Cổ Da, 3.Cổ Chử, 4.Cổ Lễ, 5.Cổ Lung, 6. Cổ Nông, 7.tổng Cổ Da. Giao Thuỷ lục Hoành là tổng Hoành Nha huyện Giao Thuỷ có 6 làng khởi đầu chữ  Hoành: 1.Hoành Đông, 2.Hoành Lộ, 3.Hoành Nha, 4.Hoành Nhị, 5.Hoành Tam, 6.Hoành Tứ.
         Trước Cách mạng làng là một tụ điểm dân cư. Nhưng không phải làng nào cũng là một đơn vị hành chính cấp cơ sở vì từ khi lập làng đến triều Lê sang triều Nguyễn những làng cổ ngày càng phát triển, số đinh nhiều lên. Cư dân đào ao,vượt thổ, san lấp gò đống, hồ đầm lập thêm ra ấp, trại mới. Khi đủ điều kiện, hay có thời cơ là xin lập thành “xã”. Xã là một đơn vị hành chính. Người đứng đầu hành chính “xã” là “Xã trưởng” ( thời Lý gọi là Câu Đương có thời gọi là Đình trưởng). Năm 1828 triều Nguyễn đổi gọi “Xã trưởng” thành “ Lý trưởng”. Lý trưởng được nhà nước công nhận là người đứng đầu hành chính cấp xã, được trao mộc triện để thực thi công việc hành chính do mình quản lý. Giúp việc lý trưởng có phó lý, trương tuần, địa bạ và thủ quỹ. Trên thực tế một làng có một lý trưởng, một hoặc 2 phó lý. Nhưng nếu một làng cổ có nhiều thôn, hoặc nhiều giáp mà dân cư ngày càng phát triển thì có thể mỗi thôn ấy thành một xã. Ví như làng Trà Lũ cuối thời Lê làng này là một xã có 3 thôn nhưng sang triều Nguyễn đã tách thành 4 là: Trà Bắc, Trà Trung , Trà Đông, Trà Đoài. Từ đó hình thành 4 xã có 4 lý trưởng ( Trà Lũ xã chí - Lê Văn Nhưng). Bộ máy hành chính làng xã luôn gắn liền với cơ sở văn hóa tâm linh của làng xã là đền, miếu, đình, chùa của làng. Trong một làng người quán xuyến công việc nội bộ của làng, nhất là trong hoạt động tâm linh, đình đám, hội hè là do “Tiên chỉ”. Tiên chỉ định đoạt “việc làng”. Tính độc lập tương đối cùng như bản sắc và truyền thông văn hoá của mỗi làng được thể hiện qua “Lệ làng”. Những bản Hương ước, Khoán ước, Thúc ước, văn tế và cả đồ tế tự, vật tế thần cùng các hình thức lễ nghi tạo ra nét tiêu biểu của mỗi làng (mỗi địa danh). Mỗi vùng, miền thường có những địa danh rất ấn tượng. Có nơi do đặc trưng địa lý như bến đò là địa chỉ giao thông: bến Ninh Cường, Cựa Gà, bến Chanh. Có nơi là do có lễ hội như: Hội Phủ Dầy, hội Chùa Keo, hội chùa Cổ Lễ, hội đền Din… Có nơi là làng nghề như: La Xuyên (đồ gỗ), Vân Chàng, Bảo Ngũ( nghề rèn), Vị Khê (trồng hoa). Có địa danh là nơi buôn bán như  Chợ Gạo ( làng Cảo Linh), chợ Dần, chợ Bể, chợ Mụa ...Có địa danh do tập quán phong tục tạo vinh danh như: làng Hành Thiện, làng Quần Anh… Vì thế mỗi khi nhắc đến tên làng (địa danh) là người ta hình dung được những nét tiêu biểu rất đặc trưng về văn hoá, phong tục tập quán, phong cảnh hay địa hình của nơi ấy.

      Trong quá trình phát triển của mỗi quốc gia ta thấy có những địa danh tồn tại hàng ngàn năm, nhưng hàng ngày, hàng giờ ở một vùng đất (đất Nam Định cũng như các miền quê khác) luôn xuất hiện địa danh mới, ví như đất thành phố Nam Định hiện nay vào thời thuộc Hán là làng “ Dương Xá”. Nhưng địa phận Dương Xá thế nào thì nay khó mà xác định được. Vì Dương Xá chỉ thấy xuất hiện ở vài thư tịch cổ ( mà không thấy trong chính sử). Trong một bài thơ “ Miếu thành hoàng làng Năng Lự” Tiến sĩ Trần Xuân Vinh đỗ khoa Kỷ Mùi năm Cảnh Thống 2 ( 1499) cho biết cổ xưa có ông Trần Oánh từ Kiện Khê ( Hà Nam), sau đó có thêm hai người họ Lê đến Dương Xã dựng nhà rồi lập ra ấp Năng Lự. Sau này Năng Lự đổi thành làng Năng Tĩnh. Còn tài liệu về Làng Tức Mặc thời cổ xưa cho biết đây là làng Khang Kiện. Phía nam làng Khang Kiện là Dương Xá. Đất thành Nam lại chính là từ kho lương ở làng Vị Hoàng vào thời Lê. Sang triều Nguyễn mới đắp đất rồi xây thành Nam Định. Nên việc xác định địa danh không phải là dễ. Việc này đòi hỏi phải cẩn trọng; Bởi mỗi địa danh là những trang sử sinh động do chính con người sống trên mảnh đất đó tạo ra, đó là sự kết tụ tinh hoa văn hoá ( gồm những điều tốt, chưa tốt và cả những điều đã bị lãng quên hoặc phế bỏ). Nghiên cứu địa danh chính là để bảo tồn di sản văn hóa của quê hương đất nước.Tìm hiểu địa danh đây là việc làm đã thành truyền thống của nhiều thế hệ, đã thành ý thức hệ trong mỗi con người.

(Theo Tập san Sở KHCN tỉnh Nam Định quý I năm 2009)