Trang

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Thành thật trong nhạy bén

         Ông vua Một mắt bảo các hoạ sĩ vẽ chân dung cho ông. Người hoạ sĩ thứ nhất, vì muốn được lòng vua nên đã không vẽ chân dung ông ta một mắt mà còn vẽ hai con mắt rực sáng long lanh rất có thần. Quốc vương cho rằng hoạ sĩ chế nhạo mình, nên giết ông ta. Hoạ sĩ thứ hai vẽ chân dung Quốc vương đúng y như thật chỉ một con mắt, ông ta nghĩ: lần này chắc chắn không có việc gì rồi. Nhưng Quốc vương vừa nhìn thấy dáng vẻ thô lỗ của mình, xấu hổ quá hoá ra giận dữ, giết luôn người hoạ sĩ. Người hoạ sĩ thứ ba ý tứ đặc biệt, vẽ Quốc vương trong tư thế đi săn, xem ra dường như vua đang nheo mắt chuẩn bị bắn thú vật. Một con nhắm, một con mở, hoạ sĩ đã tinh xảo kỳ diệu, che được khuyết tật của Quốc vương, và còn làm nổi bật uy quyền của Quốc vương rất đúng cách. Quốc vương rất vui, trọng thưởng cho hoạ sĩ.


      Hoạ sĩ thứ nhất vì muốn thế lợi nên thất bại, hoạ sĩ thứ hai trung thực quá cũng thất bại, hoạ sĩ thứ ba là người thông minh, anh ta đã thành công. Đối với hạng người thế lợi tiểu nhân có ai mà không cảm thấy khó chịu? Người có thân phận, có địa vị cũng không phải là ngoại lệ. Thực ra có lúc họ cũng có thể làm cho người ta vui. Vì vui, sự xấu xí của họ lại bị coi thường. Nhưng nịnh hót là một thứ sai sử tuy nhỏ nhoi nhưng ảnh hưởng rất mạnh, làm không khéo tức thì tai hoạ giáng xuống đầu, ví như người hoạ sĩ thứ nhất vậy.
         Những người không thể sống trong những lời giả dối nhưng cũng không thể sống trong sự chân thật cứng nhắc, như vậy, bạn sẽ cảm thấy sự bưng bít ngột ngạt, sẽ cảm thấy bị đè nén và nặng nề. Thành thật có thể dùng để làm người nhưng không nhất định dùng để đối đãi với tất cả sự việc. Giấy thông hành giúp cho chúng ta có thể xông pha vào vực sâu hố thẳm có lẽ là như vậy. Trong nhạy bén có chút thành thật, trong thành thật có chút nghệ thuật, không cao không thấp, sâu cạn tự biết lấy.
(Posted by: Hoa Tranh on: March 4, 2010)

Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Suy nghĩ tản mạn nhân ngày 20-11

 
Tôi biết về nghề dạy học bắt đầu từ ánh mắt hiền từ nhưng nghiêm nghị và giọng nói sang sảng mà ấm áp của cha mỗi khi ông đọc diễn văn kỷ niệm ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam.  Lúc bấy giờ, mọi ánh mắt đổ dồn lên sân khấu, tôi hành diện về cha vô cùng.  Hàng năm, cứ vào ngày 20-11, gia đình tôi lại đầy ắp tiếng cười. Cha mẹ tôi rưng rưng xúc động khi gặp lại học trò cũ. Còn tôi sung sướng khi được các  anh chị cưng chiều. Qua câu chuyện của các anh chị, tôi tự hào về mẹ lắm. Có lần mẹ dạy học, các bà, các cô đi chợ đứng nấp sau cánh cửa mải nghe quên cả giờ về. Còn cha tôi thì nổi tiếng về sự liêm khiết và trung thực. Cha chẳng bao giờ nhận từ học sinh và đồng nghiệp bất cứ thứ quà gì, cho dù đó là quà lễ tết. Cha cũng nổi tiếng về năng lực truyền đạt cho học trò. Thời của cha người ta chưa nói đến khái niệm dạy học lấy học sinh làm trung tâm. Nhưng cha đã tự tìm cho mình một phương pháp riêng. Chẳng hạn khi cha dạy học sinh làm văn tả cảnh, ông chẳng bao giờ dạy học trò phải viết như thế này, như thế này...Ông dẫn cả lớp ra sân trường, vườn trường quan sát. Rồi ông cho học sinh tập miêu tả, tả cây thì bắt đầu từ đâu, lá giống cái gì, hoa giống cái gì... Học trò và đồng nghiệp ai cũng nể phục và yêu mến cha.
Tôi biết về những vinh quang nghề nghiệp của cha mẹ, nhưng cũng biết về những khó khăn vất vả. Hàng đêm, khi anh em tôi đã đi ngủ thì cha mẹ mới bắt đầu ngồi vào bàn soạn giáo án hoặc chấm điểm cho học trò. Có những đêm mẹ thức trắng. Ngọn đèn dầu đã cháy đến giọt cuối cùng mà mẹ vẫn chưa đi ngủ. Có khi, cha mẹ thầm thì trao đổi đến khuya về một câu văn, hoặc một phương án dạy học trò. Để rồi sớm mai, chưa tới 7 giờ cha mẹ đã có mặt ở trường bắt đầu một ngày làm việc mới. Công việc vất vả, lương nhà giáo chật vật nhưng chưa bao giờ cha mẹ than vãn về nghề nghiệp của mình. Để rồi, mỗi năm, vào dịp tết nguyên đán, sau khi tiễn những học trò cuối cùng đến chúc tết, bên ấm trà nóng, cha lại mỉm cười tự hào: “nhà mình nghèo nhưng nghèo sang, các con nhỉ!”. Lúc ấy gia đình tôi lại rộn lên tiếng cười.
Chẳng hiều vì ảnh hưởng từ cha mẹ hay sao mà anh em tôi đều chọn nghề giáo. Các anh trai cũng lấy vợ làm giáo viên. Ngày mồng 3 tết hay ngày 20-11, gia đình tôi như mở hội. Có khi, cả nhà cùng ra tiếp khách mà chẳng nhận ra là khách của ai, chỉ đến khi học trò xưng tên, tuổi thì tất cả mới nhìn nhau cười xòa.
Tết năm 2011, chúng tôi mừng thọ cha mẹ tròn 70. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh một ông khách đầu bạc, chân chống gậy đến chúc thọ cha mẹ. Ông không phải là khách mời nên gia đình tôi rất bất ngờ. Cha tôi ra đón khách mà chẳng nhận ra là ai nên ngỡ ngàng “chào cụ!”. Ông khách cười: “Thầy không nhận ra em sao. Em là đứa học trò đã bị thày đuổi về vào ngày mồng 3 tất của 50 năm về trước vì mang quà đến biếu.” . Cha tôi vẫn chẳng nhận ra vì ông đã đuổi biết bao nhiêu học trò như vậy. Chỉ đến khi mẹ vào, mẹ mới phát hiện ra cậu học trò năm xưa.Người khách rưng rưng xúc động đưa cho cha tôi một chiếc phong bì, và như sợ cha tôi từ chối, ông nói : “xin thầy đừng từ chối tấm lòng của ba thế hệ học trò của thầy ở nhà em gửi đến” . Và cha tôi đã nhận món quà. Đây là lần đầu tiên ông nhận phong bì biếu.
Những bài học từ cha, mẹ và gia đình đã thấm vào tôi từ bao giờ không biết, Để rồi bây giờ mỗi hành động, mỗi cử chỉ của tôi trước học trò đều xuất phát từ một ý nghĩ: “Đừng bao giờ để cha mẹ thất vọng về mình”