Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Bài thơ số 27

                                    Tôi đang đi dạo trên con đường cỏ xanh
                                    bỗng nghe có tiếng hỏi sau lưng:
                                   “Này, anh có biết tôi không?”
                                    Tôi quay lại nhìn cô ta rồi nói:
                                  “Tôi không sao nhớ được tên nàng”.
                                    Nàng nói: “Tôi là nỗi buồn lớn đầu tiên
                                    anh đã gặp khi anh còn trẻ”.
                                    Đôi mắt nàng trông như buổi bình minh
                                    mà không khí vẫn còn sương đọng.
                                   Tôi đứng lặng giờ lâu rồi mới nói:
                                   “Nàng đã bỏ rơi cả gánh lệ rồi chăng?”
                                   Nàng mỉnh cười nhưng vẫn làm thinh.
                                   Tôi cảm thấy những giọt lệ của nàng
                                   đã có đủ thời gian
                                   để học ngôn ngữ của nụ cười mới mẻ.
                                  Nàng thầm thì
                                 “Đã có lần anh nói
                                  anh sẽ yêu quý trọn đời
                                  tiếng than thở của anh”
                                  Tôi xấu hổ trả lời: “Vâng, có,
                                  nhưng năm tháng trôi qua
                                  và tôi đã quên rồi”
                                  Rồi tôi nắm tay nàng, và nói:
                                “Nhưng nàng đã đổi thay nhiều”
                                 Nàng nói: “cái gì đã từng là sầu muộn
                                 thì nay trở thành yên vui”.
          Khi đọc đến bài thơ này, tôi đã dừng lại rất lâu và thầm thán phục thiên tài bất hủ Rabinđranath Tagor. Với Tagor, dường như tất cả đều có thể trở thành thơ. Một đôi mắt boăn khoăn buồn, một nụ cười, một niềm vui, sự im lặng hay chút thoáng giật mình... cũng gợi lên trong lòng nhà thơ bao cảm xúc. Bài thơ số 27 (Người thoáng hiện) đã kể lại một trong những niềm xúc cảm đó.
            Bài thơ được mở đầu bằng một không gian đẹp đẽ, thoáng trong: con đường cỏ xanh, và nhân vật trữ tình đang một mình dạo chơi trên con đường đó. Tâm hồn anh chắc hẳn cũng rất thư thái, yên vui. Chính lúc này, một cuộc gặp gỡ thú vị đã diễn ra:
                        Bỗng nghe có tiếng gọi sau lưng
                        “Này anh có biết tôi không?”
                        Tôi quay lại, nhìn cô ta rồi nói:
                        “Tôi không sao nhớ được tên nàng”
            Một cuộc gặp gỡ hết sức bình thường và một sự lãng quên hết sức thường tình. Trong cuộc đời, ai đã chẳng một lần bất chợt quên tên, quên mặt một người thân thích. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu chúng ta không đọc tiếp những câu thơ sau:
                        Nàng nói: “Tôi là nỗi buồn lớn đầu tiên
                        anh đã gặp khi anh còn trẻ”
            Hoá ra, nhân vật thứ hai mà chúng ta được biết đến trong bài thơ là một nỗi buồn, một nỗi buồn có giọng nói, có tên gọi, có hình hài. Thật thú vị biết bao! Câu thơ xoá nhoà ranh giới giữa thực và ảo, chuyển không gian thực thành không gian tâm tưởng. Và trên cái nền của không gian đó, nhà thơ làm hiện rõ dáng vẻ của nỗi buồn:            
                        Đôi mắt nàng trông như buổi bình minh
                       mà không khí vẫn còn sương đọng.
            Hình ảnh so sánh: “Buổi bình minh” thường gợi cho chúng ta ấn tượng về cái đẹp, sự tươi mới và trong trẻo, với gió nhẹ, cây lá tươi non, nắng mới lên... Cảnh vật ấy lại càng đẹp hơn trong màn sương lung linh huyền ảo. Mắt Nàng như vậy đó, vừa trong trẻo như buổi bình minh, lại vùa u buồn như một làn sương đọng. Nói mắt là để nói con người. Tago vốn rất tiết kiệm câu chữ. Ông thường không tả ngoại hình mà thiên về miêu tả nội tâm. Và đôi mắt chính là một phương thức, một công cụ để nhà thơ miêu tả, khắc hoạ cái bề trong, cái bề sâu của nhân vật.
            Từ điểm nhìn đôi mắt, nhà thơ dắt dẫn người đọc đi sâu khám phá thế giới nội tâm của Nàng- nỗi buồn.
                        Tôi đứng lặng giờ lâu rồi mới nói:
                        “ Nàng đã bỏ rơi cả gánh lệ rồi chăng?”
                        Nàng mỉm cười nhưng vẫn làm thinh.
                        Tôi cảm thấy những giọt lệ của nàng
                        Đã có đủ thời gian
                        để học ngôn ngữ của nụ cười mới mẻ.
            Chỉ qua một vài từ ngữ: gánh lệ, giọt lệ, nhà thơ đủ để cho người đọc cảm nhận và hình dung ra nỗi buồn trong quá khứ của Tôi. Đó có thể là nỗi buồn vì sự ra đi của người tình: “Em đã bỏ anh và theo đuổi con đường của em”(46- NLV); có thể là sự chia xa của người thân hay những vấp ngã trong cuộc đời... Song, phơi bày nguyên nhân của nỗi buồn không phải là mục đích của Tago. Điều mà nhà thơ muốn người đọc khám phá là diễn biến của nỗi buồn đó qua thời gian như thế nào.
            Đoạn thơ diễn ra dưới hình thức một màn đối thoại ngắn. Ở đó chỉ có lời hỏi của Tôi, còn lời đáp, là nụ cười và sự im lặng của Nàng. Trong thơ Tago, ta bắt gặp rất nhiều những sự im lặng, cảnh im lặng, giây phút im lặng, người im lặng... Im lặng cũng là một thứ ngôn ngữ, là đỉnh cao của âm thanh. Im lặng thường biểu hiện nhiều trạng thái nội tâm như buồn, giận, khổ đau hoặc suy tư, nghĩ ngợi. Im lặng có lúc là thái độ phản ứng bất bình, có lúc biểu thị thái độ đồng tình không nói ra. Trong bài thơ này, im lặng chính là sự đồng tình. Bởi vậy, dù Nàng không nói ra, nhưng Tôi vẫn cảm nhận được câu trả lời của Nàng, cảm nhận được sự đổi thay của Nàng. Gánh lệ ngày xưa, qua năm tháng nay chỉ còn là giọt lệ, và giọt lệ đó cũng biết nói ngôn ngữ của nụ cười mới mẻ. Ở đây có sự xuyên thấm giữa Tôi và Nàng. Nàng trả lời bằng sự đồng điệu với tâm hồn Tôi, và Tôi cảm nhận được Nàng qua ngôn ngữ đầy sâu xa và ẩn ý của sự im lặng. Với cách diễn đạt này, nhà thơ đã khéo léo chuyển đối thoại bằng lời giữa hai chủ thể nói thành đối thoại tâm linh. Và như vậy, nhân vật Nàng không nên hiểu là một người nào đó rất cụ thể và tách rời Tôi. Nàng tực chất là một bộ phận, một khía cạnh của con người Tôi, là sự nhập vai của Tôi. Nói khác đi, nhân vật trữ tình xưng Tôi đã tự phân thân để đối thoại với chính mình, lý giải và nắm bắt chính con người mình. Đọc đoạn thơ cuối cùng trong bài, ta sẽ hiểu rõ hơn điều đó.
                        Nàng thầm thì
                        “Đã có lần anh nói
                         Anh sẽ yêu quý trọn đời
                         tiếng than thở của anh”
                        Tôi xấu hổ trả lời: “Vâng, có,
                        nhưng năm tháng trôi qua và tôi đã quên rồi”
                       Rồi tôi nắm tay nàng, và nói:
                     “ Nhưng nàng đã đổi thay nhiều”
                       Nàng nói: “Cái gì đã từng là sầu muộn
                       thì nay trở thành yên vui”
            Đoạn thơ mở ra hai chiều của thời gian: thời gian quá khứ gắn với lời hứa của Tôi và thời gian hiện tại gắn với lời thú tội của Tôi. Trong khoảng thời gian đó đồng thời diễn ra diễn biến tâm trạng của hai nhân vật Tôi và Nàng. Tôi hứa sẽ chung thuỷ với Nàng- nỗi buồn của Tôi, rồi quên mất lời hứa; và cuối cùng xấu hổ về sự thất hứa của mình. Còn Nàng cũng đổi thay nhiều, đã đổi giọt lệ ngày xưa thành nụ cười mới mẻ. Hai tâm trạng nhưng thực chất là của một con người, là tâm lý và sự biểu hiện diễn biến tâm lý của nhân vật trữ tình. Diễn biến tâm lý đó được thể hiện dưới hình thức đối thoại giữa người hỏi và người đáp như một màn kịch nói. Trong màn kịch đó, triết nhân Tago đã dùng đối thoại để lý giải một khái niệm, một vấn đề. Màn kịch trong bài thơ số 27 đã đến hồi kết thúc. Ý nghĩa tư tưởng của toàn bộ vở kịch được đúc kết trong một câu nói giàu ý nghĩa triết lý: “Cái gì đã từng là sầu muộn thì nay trở thành yên vui”.
            Thơ Tago là như vậy. Trong khổ đau, nghèo nàn và chết chóc, tiếng thơ Tago vẫn đem đến cho ta niềm lạc quan, tin tưởng. Tư tưởng này xuyên suốt trong các sáng tác của nhà thơ. Ở bài thơ số 18- Vượt biển, ông viết:
                        Tôi biết rằng cuộc đời này
                        dù không chín rộ trong tình yêu
                        cũng không phải đã mất đi tất cả.
            Sự khổ đau, mất mắt trong cuộc đời và trong tình yêu là điều không tránh khỏi. Nhưng, nỗi đau trong thơ tình Tago làm cho con người cao cả, dũng cảm và hào hiệp thêm. Đã có lần, Tago nói đau khổ cũng đẹp như một vòng hoa. Đó là đặc trưng tư duy mỹ học của người Ấn Độ. Họ cho rằng cái chết cũng đẹp như sự sống, chết là bất tử. Vì vậy, họ vừa trân trọng niềm vui, vừa trân trọng cả nỗi đau:
                        “Thật anh dũng thay
                        khi dám ôm ấp nỗi buồn đau và quyết định không cần ai an ủi”
            Trân trong nỗi đau, nhưng không bao giờ Tago khuyên con người ôm ấp mãi nỗi buồn đau của mình. Cũng trong bài thơ 46- NLV, ông viết:
                        “Tình của ta ơi
                        Các ngươi hằng biết rằng chúng ta không trường cửu
                        thế thì khôn ngoan gì mà đập vỡ trái tim mình
                        vì một con người đã mang trái tim của họ đi xa?
                       Bởi thời gian ngắn ngủi”.
            Và nhà thơ khuyên mọi người biết “lau khô dòng lệ. Và đổi thay điệu hát của mình”.
            Tôi đọc được tất cả những điều đó trong bài thơ số 27 của Tago. Dưới hình thức đối thoại với nỗi buồn, nhà thơ đi sâu phân tích tâm linh, vừa tự vấn lương tâm mình, lại vừa lý giải, biện hộ cho mình, để cuối cùng khẳng định một chân lý: phải biết biến cái sầu muộn thành niềm vui để sống có ý nghĩa hơn!


 

Kỷ niệm 150 năm ngày sinh R. Tagor

80 nam truoc, thi hao Tagore den Sai Gon
(7/5/1861-7/5/2011)
         Rabinđranath Tagor sinh ngày 7/5/1861. Trong nền văn hoá Ấn Độ, thiên tài R. Tagor lan toả khắp mọi phía như ánh sáng mặt trời. Tagor - ấy là huyền thoại hoá thân vào một người. Và nói như I Êrenbua, Tagor là một con người kỳ lạ, thể hiện toàn bộ năng lực sáng tạo của Ấn độ, cái năng lực đã bị đứt đoạn một thời gian dài trước khi Tagor xuất hiện.
        Tagor là tác giả của khoảng 2000 ca khúc được  ưa chuộng. Quốc ca Ấn Độ do chính ông biên soạn. Quốc ca Bangladesh cũng là sáng tác của Tagor. Ở Ấn Độ, ông vẫn được coi là nhà soạn nhạc đã sáng tác nên những ca khúc vĩ đại.
        Vào độ tuổi 70, Tagor còn bước vào con đường sáng tạo mới: Hội hoạ. Ông vẽ gần 3000 bức tranh làm kinh ngạc thế giới. Từ những năm 1930, các cuộc triển lãm tranh Tagor, khởi đầu từ Luân đôn đến Berlin , sang New-York và Matxcơva tạo nên một cuộc diễu hành huyền ảo làm mọi người sửng sốt trước một tài năng lớn về hội hoạ mới xuất hiện. Tài năng đó đã mang vào hội hoạ một nhịp điệu độc đáo, bất ngờ, một sự “tự do vô hạn trong cách thể hiện và sự thử nghiệm táo bạo”.
         Trong lĩnh vực văn học, Tagor đã để lại một gia tài vô cùng quý giá: 52 tập thơ, 42 vở kịch, 12 bộ tiểu thuyết, hàng trăm truyện ngắn, bút ký, luận văn, diễn văn, thư tín... Trong kho báu đó, có nhiều viên ngọc sáng lấp lánh ánh hào quang và tên tuổi của ông. Tập Thơ Dâng do ông sáng tác và dịch từ tiếng Bengan ra tiếng Anh được giải thưởng Nôben văn học năm 1913 không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Ấn độ mà còn của cả châu Á. Thơ Dâng trở thành kỳ công thứ hai của Ấn Độ kể từ khi có Kaliđasa đến nay. Từ đó, tên tuổi Tagor lừng danh thế giới. Nhân dân Ấn Độ tôn ông là bậc thánh sư vĩ đại. Nhân dân Trung Quốc gọi ông là “Mặt trời chói lọi Ấn Độ
       Ngày 17/8/1941, Tago kết thúc cuộc đời mình như kết thúc một bản hợp tấu hùng hồn và vĩ đại, bản hợp tấu mang ý chí và nghị lực của một thiên tài lớn lao.
        Nhân ngày sinh nhật lần thứ 150 của Tagor, trân trọng giới thiệu với bạn yêu thơ một số bài thơ tiêu biểu trong tập thơ “Người làm vườn”:
         + Bài 11
            Em thế nào thì cứ thế mà đến;
            Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần
            Nếu tóc em tết rồi đã bị sổ ra,
            nếu đường ngôi chưa thẳng,
            nếu những dải áo lót của em còn lỏng
            thì cũng đừng e ngại em ơi.
            Em thế nào thì cứ thế mà đến;
            Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần.

           Em hãy đến bước nhanh trên cỏ
           Nếu vòng chân em có tụt xuống bởi sương đêm,
           Nếu những chuỗi đạc trên chân em lơi lỏng
           Nếu những viên ngọc trong dây rơi xuống
           Thì cũng đừng lo ngại, em ơi
           Em hãy đến, bước nhanh trên cỏ.

           Em thấy chăng mây phủ kín bầu trời?
           Từ xa, ở phía bờ sông những đàn sếu bay đi
           Và những trận gió lạnh bay vào bãi vắng
           Đàn gia súc lo âu đang chạy về chuồng trong xóm.
           Em thấy chăng mây phủ kín bầu trời?
           Em uổng công thắp ngọn đèn thay áo
           Nó lay lắt và tắt đi vì gió thổi.
           Nào ai biết mi mắt em sẽ không bị muội đèn hoen ố?
           Bởi mắt em còn đen hơn cả mây mù.
           Em uổng công thắp ngọn đèn thay áo
           Nó tắt ngay thôi.

          Em thế nào thì cứ thế mà đến
          Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần
          Nếu vòng hoa chưa kịp tết xong
          Thì có ai để ý;
          Nếu dây chuyền chưa khoá chặt
          Thì cứ mặc nó em ơi.

          Đã muộn rồi
          Bầu trời nặng trĩu mây đen
          Em thế nào thì cứ thế mà đến
          Chớ có loay hoay sửa soạn áo quần
+ Bài 31
          Trái tim anh như con chim đang sống cảnh hoang vu
          Đã tìm được nơi mắt em khung trời của nó
          Mắt em là cái nôi của buổi sáng, là vương quốc của trời sao
          Tiếng hát của anh đã lạc xuống chiều sâu của đôi mắt ấy
          Hãy để anh bay lượn
          Trên khung trời này, rộng rãi cô đơn
          Hãy để anh xuyên thẳng tầng mây
          Và tung cánh bay lên trong ánh mặt trời.
+ Bài 39
          Cả buổi sáng anh thử tết một vòng hoa
          Nhưng hoa cứ chuồi đi và rơi mất
          Em ngồi đó nhìn anh quan sát
          Qua khoé mắt tò mò nhưng kín đáo của em
          Em hãy hỏi đôi mắt thẫm đen láu lỉnh
          Thử xem lỗi ấy về ai?
         
          Anh thử hát lên một bài nhưng vô ích
          Một nụ cười che giấu đang run rẩy trên môi em
          Hãy hỏi nó xem vì sao anh thất bại
          Hãy để cặp môi chúm chím của em nói một lời thề
          Làm sao tiếng nói của anh lạc vào trong im lặng
          như con ong say lạc vào trong đoá hoa sen.
          Đã chiều rồi, cũng là lúc những cánh hoa khép lại
          Hãy cho anh ngồi xuống bên em
          Và hãy để môi anh làm công việc của nó
          Trong lặng im và trong ánh sao mờ.
+ Bài....
      Khi tôi đến một mình trong đêm nơi người yêu hò hẹn, chim không hót, gió ngừng thổi, nhà của bên đường đứng lặng im
      Khi tôi ngồi ngoài ban công đợi chờ những bước chân chàng tới. Gió trên cây không rì rào, nước dưới sông im lặng im lặng như thanh gươm gối đầu người lính trong lúc ngủ say. Chỉ có áo quần tôi mặc sột soạt bên chân khiến tôi giật mình
      Khi chàng đến bên tôi ngồi cạnh, khi toàn thân tôi run rẩy, gió thổi, đèn tắt, hàng cây che mờ những ánh sao đêm, chỉ có trái tim tôi đập hồi hộp, tôi không tìm cách nào ngăn cản được.
+ Bài 46
Em đã bỏ anh và theo đuổi con đường của em
Anh nghĩ rằng anh sẽ chết khổ vì em
Và sẽ đặt hình ảnh cô đơn của em
Vào tim anh bọc trong những câu hát bằng vàng.
Nhưng than ôi số phận hẩm hiu
Và thời gian ngắn ngủi.

Tuổi trẻ mỗi năm một tàn
Ngày xuân không bền bỉ,
Những đoá hoa mảnh mai cũng dễ dàng rơi rụng
Và kẻ khôn ngoan vẫn bảo anh rằng
Cuộc đời chỉ là giọt sương trên chiếc lá sen.
Anh có nên bỏ qua tất cả những điều này
Để ngóng theo con người đã quay lưng lại với anh chăng?
Thực là khờ dại và điên rồ
Bởi thời gian ngắn ngủi.

Hỡi những đêm mưa của ta
Hãy đến đây với những bàn chân rộn rịp
Hỡi mùa thu vàng rực
Hãy cười đi
Hỡi tháng Tư chây lười, trễ nải
Hãy đến đây,
rải những chiếc hôn ra khắp mọi nơi
Em hãy đến,
          Và em, em nữa chứ?
Tình của ta ơi,
Các ngươi hằng biết chúng ta không trường cửu.
Thế thì khôn ngoan gì mà đập vỡ trái tim mình
Vì một con người đã mang trái tim của họ đi xa?
Bởi thòi gian ngắn ngủi.

Thực thú vị thay
Khi ngồi trầm ngâm trong một góc
Và viết nên thành điệu thành vần
Rằng em là tất cả cõi đời anh.
Thực anh dũng thay
Khi dám ôm ấp nỗi buồn đau
Và quyết định không càn ai an ủi.
Nhưng một khuôn mặt thập thò qua khung cửa
Và ngẩng lên nhìn tận mặt anh.
Anh chỉ biết lau khô dàng lệ
Và đổi thay điệu hát của mình
Bởi thời gian ngắn ngủi.