Trang

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Có anh bên đời

Hồ Vị Xuyên đêm nao vào thu
Đường Nguyễn Du, bờ hồ, hương hoa sữa...
Đâu gốc si già có câu thơ viết dở
Theo anh về, vần thơ cũng bỏ quên.

Hồ Vị Xuyên vẫn dịu ngọt hàng đêm
Hoa sữa vẫn thơm lối mình dạo bước
Lời anh bên tai vẫn dịu dàng như thuở trước
Vần thơ năm nào lại thức dậy trong em.

Hãy giữ lại giây phút này nghe anh
Đứng cạnh bên nhau cùng mùa thu, hoa sữa
Để em đổi vần cho bài thơ năm cũ
Có anh bên đời, thơ cũng khác xưa...

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Cột cờ Nam Định



      Cột cờ Nam Định nằm trên đường Tô Hiệu thuộc phường Ngô Quyền – TP Nam Định. Thời xưa, Cột cờ Nam Định còn gọi là kỳ đài. Đây là một trong bốn cột cờ được xây dựng vào đầu thời Nguyễn,là Cột cờ Kinh thành Huế (1807), Cột cờ Hà Nội (1812) và Cột cờ Thành Bắc Ninh (1838). Căn cứ theo một số tư liệu, Cột cờ Thành Nam xây cùng thời với Cột cờ Hà Nội. Công trình này được bổ sung thêm nhiều ở phía trên đỉnh nên đến năm Quý Mão (1843) mới hoàn tất.

Cột cờ Nam Định ngày nay gồm ba phần chính là chân đế (phần bệ), thân cột (thân dài) và vọng canh (vọng lâu). Cột cờ Nam Định cao 23,84m; nằm ở phía nam Thành cổ, cách đình Vọng Cung (nay là chùa Vọng Cung) khoảng 100m. Sân Cột cờ xưa được xây thành sân hành lễ, hình vuông, có hàng lan can ở bốn cạnh. Phía nam đặt hai khẩu súng thần công. Phía đông có lư hương tưởng nhớ các liệt sỹ hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp để bảo vệ Cột cờ - Thành cổ vào các năm 1873 và 1883.
Chân đế Cột cờ gồm hai bệ hình vuông. Bệ trên thu nhỏ lại so với bệ dưới. Xung quanh phía ngoài của hai mặt bệ đều xây lan can. Bệ dưới mỗi cạnh dài 16,33m; cao 2,40m. Từ bệ dưới lên bệ trên đều có bậc lên xuống. Bệ trên mỗi cạnh dài 11,42m; cao 3,10m. Bốn mặt bệ đều xây lan can và trổ bốn cửa. Trên mặt bệ thứ hai, có cửa đi vào thân Cột cờ (thân đài). Trên cửa phía đông có hai chữ Nghênh húc (đón ánh ban mai); cửa phía nam có hai chữ Hướng quang (hướng theo đức sáng). Dưới bệ có đền thờ Bà chúa Cột cờ - Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh liệt nữ đầu tiên, hy sinh trong trận quân xâm lược Pháp đánh chiếm thành Nam Định ngày 11-12-1873 (phát hiện khảo cổ học năm 2002 – Viện khảo cổ học Việt Nam – Lê Bá Ngọc).
Thân cột cờ cao 12,65m thu nhỏ dần về phía trên với hai phần: Phần dưới xây hình trụ bát giác, mỗi cạnh 2,20m, phần trên xây hình tròn đường kính đáy 3,25m. Trong thân cột cờ có cầu thang xoáy trôn ốc, gồm 54 bậc đi lên vọng canh, được chiếu sáng bằng 32 ô cửa sổ hình hoa thị của tám mặt thân cột cờ. Phần vọng canh xây hình trụ tròn có hàng lan can, 4 cửa vòm và 8 ô cửa sổ nhỏ. Từ mặt vọng canh có thang sắt nhỏ lên đỉnh Cột cờ. Trên đỉnh Cột cờ có thể nhìn thấy những vùng núi, sông, cánh đồng của tỉnh Nam Định và ba tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình.
Cột cờ xây bằng gạch nung già, màu đỏ sẫm có kích thước 0,30m x 0,14m x 0,07m. Các góc vuông của hai tầng bệ xây bằng một loại gạch chuyên một đầu vát 450, còn các góc 1200 của thân cột trụ bát giác là một loại gạch riêng. Gạch lát nền kích thước 0,28m x 0,28m x 0,07m, màu nâu đen.
Cột cờ Thành Nam gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 27/3/1883, tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong Thành. Tại cột cờ, ở độ cao 11m, về phía Nam còn một vết đạn cắm sâu vào 4cm, đường kính 6cm. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, Đảng viên vẫn lấy Cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Năm 1967, Nam Định bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Đỉnh Cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hào - tự vệ nhà máy Dệt chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu.
Ngày 11-6-1972, máy bay Mỹ lao vào đánh phá thành phố Dệt. Vào hồi 10 giờ 10 phút sáng, chúng đã bắn rocket và ném bom trúng vào khu vực Cột cờ làm sập toàn bộ công trình kiến trúc cổ kính này. Năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố Nam Định, Cột cờ đã được phục dựng lại nguyên dạng.
Gần hai thế kỷ qua, cột cờ Thành Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, sự đổi thay của đất nước, quê hương. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam. Hàng năm, nơi đây đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và thắp hương tưởng nhớ Bà chúa Cột cờ. Năm 1962, Cột cờ Nam Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
                      (Nguồn: http://www.dulichnamdinh.com.vn/)

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Giai thoại về Tagor

         1. Vòng phấn và bài thơ đầu tiên
        Thuở bé Ra-bin-đra-nat Ta-go chịu sự giáo dục của gia đình khá nghiêm ngặt. Ông ít được rong chơi một mình ở ngoài đường, thường bị nhốt trong một góc nhà. Tuy thế, thỉnh thoảng ông cũng lén trốn ra ngoài, mỗi lần như vậy những người quản gia của gia đình ông đều bắt được. Để ông khỏi trốn và đi lung tung, họ vẽ một vòng phấn bắt ông đứng ở giữa, ra điều kiện nếu ra khỏi vòng đó sẽ bị đánh đòn.
Ta-go phải chịu đựng như vậy hàng giờ, khi ngồi xuống, khi đứng lên cho đỡ mỏi. Không biết làm gì, Ta-go thường phóng mắt ra cửa sổ ngắm nhìn bầu trời, cây cối, những con đường, những hồ nước, lắng nghe lao xao tiếng chợ đông gần đó, nghe tiếng chim ríu rít bay qua lại ở cánh cửa sổ... Tất cả cảnh đó đã từng kích thích trí tưởng tượng của ông.
        Trước cửa sổ văn phòng Ta-go bị nhốt có một cây đa đã lâu đời, ngắm nhìn cây đa đó, Ta-go đã nói với cây đa bằng những câu thơ đầu tiên sau đây:
Hỡi cây đa già trăm năm
Như nhà tu khổ hạnh đứng bất động
Buông những cánh tay dài rễ cành xuống đất
Đang đọc kinh Vê-da sám hối với thánh thần
Có thấy tôi không? Một chú bé giam chân
Đang muốn vời quanh dưới bóng mát của người,
Muốn đùa vui với những tia nắng mặt trời.

       2. Vòng hoa danh dự và những giọt nước mắt
       Lên 8 tuổi, Ra-bin-đra-nat Ta-go đã làm khá nhiều thơ, năm 13 tuổi tập “Bông hoa rừng” ra đời. Tài năng của ông được nhiều người ngưỡng mộ rất sớm, trong đó có nhà văn lớn Ba-kim Chân-đơ (1838 - 1894), người khởi xướng phong trào Hin-đu mới chống mọi thứ ngoại lai, phục hưng nền sân khấu dân tộc và là người viết tiểu thuyết đầu tiên bằng tiếng Ben-ga-li, Ba-kim Chân-đơ rất chú ý nâng đỡ Tagor, đi đâu ông cũng dẫn Ta-go đi theo, những buổi bình thơ, diễn thuyết, yến tiệc... Ta-go đều được dự với Ba-kim Chân-đơ.
Nhân dịp nhà sử học Đớt (Dult), bạn thân của Ba-kim Chân-đơ làm lễ cưới. Ba-kim đến dự, Ta-go cũng được đi theo. Trong buổi lễ, vì quý mến và trọng tài năng thơ ca của Ba-kim Chân-đơ, Đớt (Duly) đã dành một vòng hoa nhài đẹp quàng vào cổ bạn. Sau khi tỏ lời cảm ơn Đớt xong, Ba-kim Chân-đơ lấy vòng hoa ở cổ ra quàng cho cậu bé Ta-go và nói với mọi người rằng:
“Tôi xin nhường vòng hoa này cho một tài năng thơ ca đầy triển vọng, đáng khâm phục đó là thi sĩ trẻ tuổi này”.
Nói xong, Ba-kim Chân-đơ rút tập thơ mới làm của Ta-go đọc cho mọi người nghe, ai ai cũng xúc động và hết lời ngợi khen tài thơ của Ta-go.
Hôm đó, sung sướng và súc động quá Ta-go đã khóc, những giọt nước mắt đã thấm đượm những bông hoa nhài vòng trên cổ ông.
           3. Bản thảo bị đánh rơi trở thành kiệt tác
           Ngày 19 tháng 3 năm 1912, Ra-bin-đra-nát Ta-go, nhà thơ lớn ấn Độ bị bệnh phải nằm điều dưỡng bên bờ sông Pa-đma ở quê hương Ben-ga-li của ông. Để giải trí và đồng thời cũng thử năng lực hiểu biết tiếng Anh tự học của mình đến đâu, Ta-go chọn lọc những bài thơ của ông sáng tác bằng tiếng Be-ga-li từ trước đem dịch ra tiếng Anh. Dịch xong ông cũng vừa ra khỏi viện, ngày 27 tháng 5 năm 1912 ông lên tàu qua Anh. Thời gian ở trên tàu, ông sắp xếp những bài thơ dịch theo thể Xon-nê đó thành hệ thống và đặt tên Gi-tan-ja-li (Thơ Dâng).
Sự thực đến Anh, ông không có ý định phô trương tài năng tiếng Anh của mình trên đất nước mà gia đình ông và bản thân ông vốn đã thành kiến; nhưng không may cái hộp đựng bản thảo tập thơ đó lại bị ông đánh rơi trên đường tàu điện ngầm ở Luân Đôn. Ông phải loan báo tin đó cho bạn bè người Anh và nhờ họ tìm hộ.
Mấy ngày sau thì cơ quan quản lý tài sản bị mất ở Luân Đôn báo cho ông đến nhận lại cái hộp.
Cũng nhân dịp đó mà bạn bè của ông và một số nhà thơ nổi tiếng ở Anh biết được nội dung tập thơ. Trước hết, ông đưa cho hoạ sĩ Uy-li-am Rô-tây-xtên (William Rotheinstein), người đã quen biết ông khi ông này đến thăm ấn Độ. Rô-tây-xtên lại chuyển cho nhà thơ Yêt-xơ (Yeats). Yêt-xơ phát hiện thấy tập thơ hay quá bèn tập hợp một số nhà văn, nhà thơ ở Luân Đôn đến đọc và bình thơ.
Mọi người nhất trí yêu cầu Công ty ấn Độ xuất bản, số lượng in ra bao nhiêu thì hết ngay bấy nhiêu. Tiếp đến đầu năm 1913 Mac Mi-lan cho xuất bản rộng khắp nước Anh. Nhà văn Xt. Mo-rơ (Stuje Moore) với tư cách là thành viên Hội văn học Hoàng gia Anh đề nghị tặng giải thưởng Nô-ben. Viện Hàn lâm Thuỵ Điển đầu tiên còn do dự vì giải thưởng về văn chương đã nhằm tặng cho nhà phê bình Pháp E-mi-le Fu-guet rồi; nhưng vì nội dung của tập Thơ Dâng đã phản ánh một tài năng kiệt xuất và có một sức hấp dẫn đối với Hội đồng giải thưởng cho nên Ta-go là người duy nhất được giải thưởng Nô-ben về văn chương trong năm 1913. Từ đó Thơ Dâng được truyền đi khắp thế giới và trở thành kiệt tác.
                                               (Sưu tầm)

Những bài học cuộc sống

            1. Chiều nay tôi và một vài đồng nghiệp đang ngồi ở khoa thì em MN đến mời cưới. Em đứng giữa cô bạn đồng nghiệp và thầy chủ nhiệm khoa nên lấy giấy mời thầy và cô bạn tôi trước. Một cái lắc đầu và một cử chỉ mách bảo rất khéo của cô bạn khiến MN dừng tay lại, em lấy giấy mời mời tôi trước. Tôi còn trẻ, không phải bậc cha chú như thầy chủ nhiệm khoa nên thường không để ý lắm đến những chuyện lễ nghi này. Nay thấy cử chỉ của bạn làm tôi rất bất ngờ. Bạn chỉ kém tôi một tuổi, về cấp bậc cũng chỉ sau chút xíu vậy mà đã rất khéo léo trong xử sự. Tôi tự thấy mình phải học tập bạn ở điểm này.
           2. Một lần ngồi trên xe taxi, tôi thao thao kể với người thân của mình về việc ngày Tết thuê được taxi rẻ, người lái xe tốt bụng nên vợ chồng tôi mừng tuổi cho anh. Nói là mừng tuổi nhưng khi kể lại tôi lại bảo "cho nó"(Người lái xe ít tuổi hơn tôi). Nghe tôi nói vậy chồng tôi xị mặt gắt với tôi. Cử chỉ ấy làm tôi rất ấm ức. Mãi về sau anh  mới nói khẽ: "em chẳng để ý gì cả, gọi người tài xế đó là nó không sợ Bác lái xe phật lòng hay sao?". Mọi sự ấm ức của tôi tan biến. Cảm ơn người chồng đã cho tôi bài học về cách ứng xử.
           3. Hồi mới vào nghề tôi thường có cái nhìn thiển cận, vẫn tưởng có nghề cao quý và nghề thấp hèn. Một lần, vào hàng rửa xe, cử chỉ của hai cha con người thợ rửa xe làm tôi xúc động. Chuyện là sau khi nhận xe từ tôi, bác thợ rửa xe đưa tôi tờ báo và kéo ghế bảo tôi ngồi đợi. Tôi không đọc báo mà chăm chú nhìn hai cha con người thợ rửa xe, tôi muốn tìm hiểu vì sao quán rửa xe nhỏ bé này lại được nhiều người tuyên truyền cho nhau đến vậy. Xe tôi đi trời mưa nên bẩn. Hai cha con thì thầm to nhỏ bàn cách rửa cho sạch. " Cha luồn cây cọ vào chỗ này để con xả nước nhẹ./ Chỗ này phải dầu rửa mới sạch. / Không được, đất bám sâu quá, để con xịt nước từ dưới lên...".Sau khi xe được rửa sạch, xì khô, bác lái xe nổ thử máy và phát hiện phanh xe của tôi hơi sâu. "Con gái đi phanh sâu không an toàn, cháu chờ bác chút xíu". Vừa nói, người thợ vừa nhanh nhẹn lấy đồ nghề ra sửa xe giúp tôi. Tôi nhận lấy xe với một tấm lòng cảm phục và biết ơn sâu sắc đối với cha con người thợ tốt bụng. Bừng sáng trong tôi là suy nghĩ mới mẻ: Không có công việc nào thấp hèn cả, điều quan trọng là  người ta có biết làm cho nó trở nên cao quý hay không!
            4. Còn nhớ hôm trước bạn tôi cũng kể một câu chuyện tương tự:
           Chuyến đi thực tế Miền Trung cuối năm 2010, chúng tôi có ghé qua Quảng Bình, dừng chân tại Đèo Ngang, để xem phong cảnh "nay đà khác xưa"... Giữa bạt ngàn rừng núi, thưa thớt không người qua lại, có một bà lão gầy yếu và một cháu nhỏ cầm chiếc nón rách để xin chút bố thí của người qua đường..
            Lên xe, tôi nói với chị bạn đi cùng:
            - May quá chị ạ, em có 10.000 lẻ  để cho bà lão.
            - Ừ, chị cũng vừa biếu cụ 20.000.
            Tôi giật mình vì hai chữ "biếu cụ".         
   Đó là một trong những kỉ niệm tôi nhớ nhất chuyến đi và có lẽ tôi sẽ mang theo  mình suốt cả cuộc đời!