Trang

Thứ Năm, 27 tháng 7, 2017

DẠ KHÚC ĐÊM NAY (Viết cho sinh viên Khoá 36 trước dạ tiệc "mùa hạ, mùa thi, mùa chia ly")


Cũng giống như đời người, khó có một khoảnh khắc lặp lại hai lần.
Bạn nghĩ gì về điều đó?
Điều đặc biệt trong lòng chúng ta? Như phút giây lắng đọng bên nhau giữa mùa phượng nở, trong một không gian rất đặc biệt của dạ tiệc Mùa hạ - mùa thi – mùa chia ly....
K36 đã đi qua 3 mùa hè và 6 mùa thi....
Mùa hạ năm nào chia tay thời áo trắng. Mùa hạ năm nào tất bật dốc sức mình với mùa thi. Mùa hạ năm nào còn đắn đo, cân nhắc, nửa thấy may mắn, nửa còn ngờ vực khi bước chân đến nơi này…
Mới thế đã ba năm!
Ba năm so cuộc đời mỗi con người không phải là nhiều, song với con đường học tập thì thật đáng kể. Nhất là ba năm này – dấu gạch nối giữa thời học sinh với trường đời, cũng là những năm tháng đẹp nhất trong tuổi xuân của các bạn.
Bạn có cảm thấy thế không?
Bạn có cảm thấy mỗi mùa hè qua đi là mỗi mùa ta lớn. Mùa hè đầu tiên ở trường sư phạm là mùa hè hạnh phúc nhất. Ta vô tư hưởng cái ân huệ được nghỉ ngơi, vô tư với những cuộc hẹn hò, những khám phá thú vị… Để rồi mỗi mùa thi qua đi, mỗi mùa hè tới lòng ta lại càng thêm trăn trở. Để ta tự nhủ với lòng cần phải cố gắng hơn…
Mùa hè thứ ba sắp qua đi…
Bạn có thấy tiếc nhớ nơi này, nơi có giảng đường với những giờ học lý thú, những hoạt động tập thể sôi nổi và cả những buổi rèn luyện NVSP rát cổ, mỏi tay để thấy rõ hơn vinh quang và trách nhiệm cao cả của nghề nghiệp trồng người.
Bạn có cảm thấy nhớ nơi này, nơi có thầy cô thật nghiêm khắc nhưng cũng đầy bao dung, tận tuỵ; nơi chắp cánh cho trí tuệ và trái tim các bạn.
Bạn có nhớ nơi này, nơi tuổi thanh xuân các bạn có nhau, có những mối tình vừa chớm nở, những hẹn hò và cả những yêu thương thấm kín chưa thốt được nên lời…
Hôm nay, chúng ta ngồi lại bên nhau trong không gian ấm cúng của Ngôi nhà chung – khoa Xã hội này để cùng ôn lại kỷ niệm, bởi ngày mai mỗi người sẽ đi trên đi trên những con đường cách biệt.
Người ta nói chia tay mùa phượng nở sẽ buồn vì màu hoa ấy, tiếng ve ấy cứ rực lên u sầu nhức nhối. Còn tôi muốn nói với bạn rằng màu đỏ của hoa còn là màu của niềm tin và hy vọng, và tiếng ve ngoài kia là khúc nhạc của trời.
Nhạc trời đã tấu lên và hy vọng đang thắp lửa!
Các bạn, những sinh viên yêu quý của tôi hãy tự tin cháy hết mình vì một cuộc sống có ý nghĩa ngoài kia đang chờ đón các bạn.
Hãy là một đoá hoa rực rỡ như hoa mùa hạ!
Hãy là một nốt nhạc vút cao để hoà tấu vào bản nhạc của đời!

Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

CẦU MONG MỘT NĂM MỚI AN LÀNH 
VỚI TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI BẠN VÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN YÊU CỦA TÔI!

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Ngụ ngôn Êdop

 Aesop (620-560BC)
www.tudiendanhngon.vn - Danh nhân - Aesop
Aesop, nhà kể truyện ngụ ngôn người Hy Lạp cổ, nổi tiếng vì những câu truyện ngụ ngôn truyền tải tới người nghe sự thật về cuộc đời và bản chất con người. Hầu hết các câu chuyện của ông đều miêu tả những loài động vật quen thuộc để từ đó nói tới con người, như chuyện Thỏ và Rùa. Rất ít điều được biết tới về cuộc đời ông, thậm chí nhiều người còn tin rằng Aesop là một nhân vật chưa từng sống trên đời.
Đối với những ngươi tin vào sự tồn tại của Aesop, hầu hết đều đồng ý rằng Aesop sống vào khoảng thế kỷ thứ 6 trước công nguyên, đôi lúc ở đảo Samo, và ít nhất đã từng có lúc trong cuộc đời là một nô lệ. Aesop đã từng qua tay hai người chủ trước khi được trao trả tự do như là phần thưởng cho sự thông thái của mình.
“Aesop, một tính cách mạnh mẽ tới mức người đương thời nói ông là người sáng tác của bất cứ câu chuyện ngụ ngôn nào đã từng được nghe, và kẻ hậu thế gán ông với bất cứ câu chuyện ngụ ngôn nào đã từng được kể."
                                                                                            -Willis L. Parker
Những câu chuyện ngụ ngôn của Aesop đã được kể qua không biết bao nhiêu thế hệ, và sẽ còn tiếp tục trở thành một phần trong cuộc đời của rất nhiều người. Tuy nhiên không phải tất cả trong số chúng đều thực sự do Aesop sáng tác. Danh tiếng của Aesop lớn tới mức có rất nhiều câu chuyện ngụ ngôn đã được cho là của ông.
Theo một số nhà sử học, Aesop đã phải chết thảm khốc dưới tay người Delphi, mặc dù lý do vẫn còn gây nhiều tranh cãi như những lời nói xúc phạm hay việc biển thủ tiền phân phát ở Delphi. Căn bệnh dịch hạch kéo đến sau đó được cho là sự trừng phạt của thần linh vì cái chết của Aesop, và người Delphi tuyên bố sẽ đền bù, sự đền bù này cuối cùng được dành cho Iadmon, cháu người chủ cũ của Aesop.
1.      DÊ CON VÀ CÁO
Một con dê con được người chăn dê để lại trên mái lá của chuồng dê để tránh cho nó khỏi bị nguy hiểm bởi thú dữ. Dê con đang chạy nhảy ra gần rìa mái lá thì bỗng nó nhìn thấy một con cáo và bắt đầu chế giễu cáo, nheo mũi và thỏa sức lăng mạ cáo.
 “Ờ tao nghe mày chửi đây,” Cáo nói, “ và điều mày nói hay làm chẳng hề hấn gì với tao đâu. Khi mày đứng ở trên đấy thì không phải là mày nói đâu mà chính là cái mái lá sắp xụp kia đang nói thay cho mày đấy.”
 Đừng bao giờ nói bất cứ điều gì không nên nói.
2. CHUỘT NHÀ VÀ CHUỘT ĐỒNG 
Một con chuột nhà một hôm ghé thăm bạn ở đồng quê. Bữa trưa, Chuột Đồng dọn bữa ăn chỉ toàn là thân, rễ, và lơi bắp, với một chút nước lạnh để uống. Chuột Nhà chỉ ăn lấy lệ, nhấm nháp một chút món này, một chút món kia, và chẳng cần giấu giếm gì nó nói rằng nó ăn với chuột đồng một chút là chỉ để cho vui thôi.
Sau bữa ăn, hai con chuột trò chuyện rất lâu, nói cho đúng là Chuột Nhà cứ kể chuyện về cuộc sống của mình ở thành phố còn Chuột Đồng thì chỉ ngồi nghe. Rồi chúng vào trong một cái tổ chuột ở bờ rào và ngủ một giấc êm ái và thoải mái cho đến tận sáng hôm sau. Trong giấc ngủ, Chuột Đồng mơ thấy mình được ở thành phố với đủ mọi tiện nghi sang trọng và sung sướng mà nó đã được nghe bạn kể. Thế là sáng hôm sau, khi Chuột Nhà mời Chuột Đồng về nhà với mình ở thành phố, nó sung sướng nhận lời ngay.
Khi chúng về đến ngôi biệt thự mà Chuột Nhà sống, chúng thấy trên bàn ăn còn lại những thứ thức ăn thừa của một bữa tiệc rất sang trọng. Có cả bánh kẹo, mứt, phó mát, thực vậy, những thứ thức ăn hấp dẫn nhất mà Chuột Đồng có thể tưởng tượng được. Nhưng ngay khi Chuột Đồng vừa sắp nhấm nháp một chút bánh ngọt, nó nghe thấy tiếng con mèo kêu thật lớn và tiếng móng vuốt của nó nghiến trên sàn nhà. Quá sợ hãi, hai con chuột vội vàng tìm chỗ nấp, chúng nằm im một lúc lâu, hầu như không dám thở mạnh. Khi vào lúc cuối cùng chúng đánh bạo quay trở lại bàn tiệc, cánh cửa bỗng dưng mở ra và người đầy tớ bước vào dọn bàn, theo sau là một con Chó Nhà lớn.
 Chuột Đồng khi còn xa mới đến chỗ ở của Chuột Nhà thì đã ngừng lại cầm lấy nón và bị.
“Bạn có thể có những thứ xa xỉ và những món ăn ngon mà tôi chẳng có,” nó vừa nói vừa chạy, “nhưng tôi lại thích những thứ thức ăn thanh đạm và cuộc sống giản dị ở đồng quê luôn có sự yên bình và thanh thản hơn.
         Nghèo mà thanh thản còn hơn giàu mà luôn phải lo lắng bồn chồn       
2.      CON CÁO VÀ CHÙM NHO 
          Một con cáo một hôm bắt gặp một chùm nho chín đỏ hấp dẫn trên một dây nho vắt ngang qua các nhánh của một cây cao. Chùm nho mọng nước tưởng chừng như sắp vỡ ra, và con Cáo cứ đứng nhìn thèm nhỏ rãi.
          Chùm nho vắt qua một nhánh cây cao, nên con Cáo phải nhảy lên để hái cho được nó. Lần nhảy đầu tiên, nó vẫn còn cách chùm nho khá xa. Thế nên nó đi xa gốc cây ra một quãng và chạy lại để lấy đà nhảy lên, chỉ còn thiếu một chút nữa thôi là đến được chùm nho. Nó thử lại lần nữa và lại một lần nữa, nhưng tất cả đều vô ích.
          Nó bèn ngồi xuống và nhìn chùm nho tức tối.
          “Mình mới ngu ngốc làm sao,” nó bảo. “Mình mất bao nhiêu công lao chỉ để lấy một chùm nho chua lè chẳng đáng cho người ta dòm đến.
           Và thế là nó khinh khỉnh bỏ đi.
     Có rất nhiều người tỏ ra chê bai, khinh miệt cái mà họ mong muốn có nhưng không được.

     4. CÁO VÀ NGỖNG
          Một con Cáo ăn uống quá tham lam, và bị mắc xương trong họng. Nó nuốt vào không được mà khạc ra cũng chẳng xong, và dĩ nhiên, là nó chẳng thể ăn được gì thêm. Dĩ nhiên, đối với một kẻ tham ăn như Cáo thì tình trạng này thật hết sức tồi tệ.
         Thế nên nó vội vàng đi tìm cho được Ngỗng. Nó chắc chắn là, với cái cổ và chiếc mỏ dài, Ngỗng sẽ dễ dàng thò vào họng nó để kéo cho được chiếc xương ra.
       “Tôi sẽ hậu tạ bạn,” Cáo nói, “nếu bạn giúp kéo được chiếc xương ra cho tôi.”
        Con Ngỗng, bạn biết đấy, nghe thấy phải đút đầu vào họng Cáo thì chẳng phải là không biết sợ. Nhưng vì bản tính quá tham lam, nên nó làm theo lời Cáo.
         Khi con Cáo đã được rút xương ra khỏi họng, nó liền bỏ đi một mạch.
       “Nhưng phần thưởng của tôi đâu!” Ngỗng băn khoăn hỏi.
       “Cái gì!” Cáo cằn nhằn, chạy vù đi. Mày chưa được thưởng à? Thưởng thế chưa đủ sao,
mày đưa đầu vào họng tao, tao tha cho mà chưa cắn là thưởng cho mày đấy?”
        Đừng mong được những người xấu biết ơn
     5. CON LỪA VÀ NGƯỜI CHỦ
         Một con lừa đang được chủ dong đi trên đường ở triền núi, bỗng dưng nó nảy ra ý nghĩ ngu ngốc là phải chọn lấy con đường đi cho riêng mình. Nó nhìn thấy chuồng của nó ở dưới chân núi, và nó nghĩ lối gần nhất chỉ ở dưới bờ vách đá dựng đứng ngay cạnh đó. Ngay lúc nó sắp sửa nhảy xuống vách đá, người chủ thấy được tóm lấy đuôi nó và cố kéo nó lại, nhưng con lừa bướng bỉnh nhất quyết không chịu và dùng tất cả sức mạnh của nó để bứt ra lao xuống.
        “Tốt lắm,” chủ lừa nói, “cho mày đi luôn, đồ súc sinh ngoan cố, để xem mày sẽ đi được đến đâu.”
         Thế là anh ta buông nó ra, con lừa ngu ngốc rõi lộn cổ xuống vách đá bên sườn núi
        Những người không chịu lắng nghe điều hay lẽ phải mà cứ ngoan cố làm theo ý mình sẽ phải chuốc lấy tai họa
        6.  ĐÔI BÒ VÀ CẶP BÁNH XE
      Một đôi bò ra sức kéo một chiếc xe chất đầy hàng qua một con đường quê lầy lội. Chúng phải lấy hết sức lực mới kéo nổi chiếc xe, nhưng không hề phàn nàn kêu ca.
        Cặp Bánh Xe thì lại khác hẳn. Mặc dù nhiệm vụ của chúng phải làm là hết sức nhẹ nhàng so với việc của đôi bò, chúng cứ kẽo kẹt rên rỉ theo mỗi vòng quay. Đôi bò tội nghiệp, mặc dù đã phải hết sức mới kéo được chiếc xe đi trong bùn sâu, lại còn phải ù tai vì những tiếng kêu ca phàn nàn nhức óc của Cặp Bánh Xe. Việc này, ai cũng biết, làm cho công việc của chúng trở nên nặng nề khó chịu đựng hơn.
     “Im đi!” Đôi Bò cuối cùng cũng phải la lên, mất hết cả kiên nhẫn. “Bánh Xe chúng mày phải làm những gì mà kêu ca phàn nàn nhức óc thế? Tụi tao phải kéo cả chiếc xe nặng nề, chứ không phải chúng mày, nhưng chúng tao có kêu ca gì đâu.”
       Người sung sướng nhất lại hay kêu ca nhiều nhất.

 7. SƯ TỬ VÀ CHUỘT
      Một con sư tử nằm ngủ trong rừng, đầu gục trên đôi chân. Một con chuột nhắt rụt rè bất ngờ đụng phải sư tử, quá hốt hoảng và vội vàng bỏ chạy, nó đạp cả lên mũi sư tử. Ngứa mũi tỉnh dậy, sư tử giận dữ giơ chân chộp lấy chuột nhắt nhỏ bé để giết chết.
      “Xin tha cho cháu!” Chuột nhắt bé nhỏ van xin. “Xin ông thả cháu ra đến một ngày nào đó cháu sẽ đền đáp công ơn ông.”
       Sư tử quá buồn cười khi nghĩ rằng con chuột bé tí này có khi nào lại giúp được gì cho mình. Nhưng nó rộng lượng và cuối cùng thả cho chuột đi.
       Ít ngày sau, trong khi mải mê đuổi theo con mồi, sư tử đã dính vào bẫy lưới của một thợ săn. Cựa quậy măi cũng không thể thoát ra được, sư tử gầm rống vang khắp rừng. Chuột nhắt nghe tiếng gầm biết sư tử bị nạn liền chạy lại thấy sư tử đang nằm trong lưới. Chạy đến một trong những sợi thừng to nhất đang buộc chặt sư tử, chuột nhắt nhấm cho đến khi dây đứt ra, và chỉ một lát sau, sư tử đã được tự do.
      “Ông đã cười khi cháu bảo sẽ có ngày cháu đền đáp.” Chuột nhắt bảo sư tử. “Giờ thì ông đã thấy rồi đấy, bé xíu như chuột nhưng vẫn có thể cứu được cả sư tử.”
       Việc làm tốt không bao giờ không có ích
    8. CHÚ BÉ CHĂN CỪU VÀ CON CÁO
        Một chú bé chăn cừu cho chủ thả cừu gần một khu rừng rậm cách làng không xa lắm. Chăn cừu được ít lâu, chú cảm thấy cuộc đời chăn cừu thực nhàm chán. Tất cả mọi việc chú có thể làm để giải khuây là nói chuyện với con chó hoặc thổi chiếc kèn chăn cừu của mình.
         Một hôm, khi chú đang ngắm nhìn đàn cừu và cánh rừng yên tĩnh, và suy nghĩ mình sẽ phải làm gì khi gặp một con Cáo, chú nghĩ ra một trò chơi cho đỡ buồn.
         Chủ bảo với chú rằng khi Cáo tấn công đàn cừu thì phải kêu cứu, để Dân Làng nghe thấy và đuổi nó đi. Thế là, mặc dù chú chẳng thấy con gì giống Cáo hết, chú cứ chạy về làng và la to, “Cáo! Cáo!”
        Đúng như chú nghĩ, Dân Làng nghe thấy tiếng kêu bỏ cả việc làm và tức tốc chạy ra cánh đồng. Nhưng khi họ đến nơi họ chỉ thấy chú bé ôm bụng cười ngặt nghẽo vì đã lừa được họ.
        Ít ngày sau chú bé chăn cừu lần nữa lại la lên, “Cáo! Cáo!” Và một lần nữa Dân làng lại chạy ra giúp chú, nhưng lại bị chú cười cho một trận.
        Thế rồi vào một buổi chiều nọ, khi mặt trời lặn xuống sau cánh rừng và bóng tối bắt đầu phủ đầy lên cánh đồng, một con Cáo thực sự nấp sau một bụi cây bỗng phóng ra và chụp được một con cừu.
         Quá hoảng sợ, chú bé chăn cừu vội chạy về làng và la to “Cáo! Cáo!” Nhưng mặc dù Dân Làng có nghe tiếng chú kêu, nhưng không ai chạy ra cả để giúp chú như những lần trước. “Lần này không thể để cho nó đánh lừa được mình nữa” họ bảo. 
            Cáo giết chết rất nhiều cừu của chú bé và biến mất vào rừng rậm.
          Người ta cũng không tin kẻ nói dối ngay cả khi hắn nói thật.

         9. MUỖI MẮT VÀ CON BÒ
        Một con muỗi mắt bé tí xíu bay qua cánh đồng cỏ kêu vo vo thật lớn và đậu trên mỏm sừng của một con bò. Sau khi nó nghỉ ở đó một chút, nó lại chuẩn bị bay đi. Nhưng trước khi nó bay đi, nó xin lỗi bò vì đã dùng chiếc sừng bò làm chỗ nghỉ chân cho nó.
       “Ông chắc hẳn sẽ rất vui mừng nếu tôi bay đi," nó bảo
       “Cũng vậy thôi,” Bò trả lời. “Tao còn chẳng biết là mày đang đậu ở đó nữa là.”
        Chúng ta thường đánh giá mình quá cao so với đánh giá của người khác.
       Càng ngu ngốc lại càng kiêu.
      10.  CÂY TIÊU HUYỀN
      Có hai người du khách, đi dưới trời nắng, tìm kiếm một bóng cây to để nghỉ mát. Khi họ nằm nhìn lên tán cây mát rượi, họ mới nhìn ra đó là một cây Tiêu Huyền.
     “Cây Tiêu Huyền chẳng có ích gì đâu!” một người nói. “Nó đã chẳng có trái, lại còn lắm lá xả đầy xuống mặt đất."
     “Đồ vô ơn!” từ trên cây có một tiếng kêu lớn. “Ngươi nằm ngay dưới bóng mát của ta, thế nhưng ngươi lại bảo ta vô ích! Vậy chẳng là vô ơn đó sao, Ô thần Jupiter, loài người có đáng được hưởng phúc không!”
      Chúng ta thường có phúc mà không biết
      11. BÁC NÔNG DÂN VÀ CON CÒ
     Một con cò tính tình hiền lành chất phác gặp một bầy ngỗng trời phá phách rủ đi đến một cánh đồng lúa mới cấy. Nhưng rốt cuộc cả bầy phải rầu rĩ vì đã sa vào bẫy lưới của bác nông dân. Cò bèn năn nỉ bác nông dân tha cho nó.
     “Xin bác thả cho cháu ra,” nó năn nỉ. “Cháu thuộc họ nhà cò xưa nay vốn lương thiện và là loài chim có tính tốt. Hơn nữa, cháu đâu có biết lũ ngỗng đi phá lúa của bác.”
     “Mi có thể là loài chim rất tốt,” bác nông dân bảo, “nhưng ta bắt mi cùng với lũ ngỗng ăn cướp nên mi phải cùng chịu chung hình phạt với chúng.”
      Người ta nhìn bạn bè của bạn để đánh giá bạn.
     12. CỪU VÀ HEO
      Một hôm, một người chăn cừu phát hiện ra một con heo mập trên cánh đồng anh ta đang thả cừu cho ăn. Anh ta nhanh chóng bắt lấy heo, nó rống hết sức kêu eng éc vang cả cánh rừng khi người chăn cừu mới chạm tay vào nó. Bạn có lẽ đã nghĩ, nghe heo thét lên như thế, chắc là nó phải bị đau lắm. Nhưng mặc cho nó kêu và giãy giụa để thoát ra, người chăn cừu trói lấy nó và bắt đầu quảy nó về để đưa ra chợ bán cho hàng thịt.
        Đàn cừu trên cánh đồng hết sức ngạc nhiên và buồn cười khi nhìn thấy heo hoảng sợ như thế, và chúng đi theo người chăn cừu cùng con heo đến đầu cánh đồng.
      “Sao bạn lại phải la lối như vậy?” một con cừu hỏi heo. “ông chăn cừu vẫn thường bắt một đứa trong chúng tôi và đưa đi đấy nhưng có sao đâu. Chúng tôi sẽ rất lấy làm xấu hổ nếu lại làm ầm ĩ lên như bạn.
      “Nói đúng cả đấy,” heo trả lời, kêu éc lên và đá loạn xạ. "Khi lão bắt bạn lão chỉ cần lông của bạn thôi. Nhưng lão lại muốn lấy thịt của tôi! Éc ééééééééééééc!”
      Làm ra vẻ can đảm rất dễ khi chưa có gì nguy hiểm

     13. HAI NGƯỜI DU KHÁCH VÀ CHIẾC VÍ
       Hai người khách bộ hành đang đi cùng nhau trên một con đường thì một người bỗng nhặt được một chiếc ví đầy cứng.
     “Tôi may mắn quá!” anh ta nói. “Tôi đã nhặt được một chiếc ví. Nó nặng như thế này thì chắc chứa đầy tiền đây.”
      “Đừng nói là ‘tôi đã nhặt được như thế,’” người bạn đồng hành với anh ta nói. “Phải nói cho đúng là ‘ chúng ta đã nhặt được và ‘chúng ta may mắn quá.’ Bạn đồng hành với nhau thì phải chia nhau cả cái may lẫn cái rủi trên đường mới phải.”
       “Ố không, không đâu, “ người kia giận dữ nói. “Tôi đã nhặt được thì nó là của tôi.”
Ngay khi đó họ nghe thấy tiếng quát to “Đứng lại, đồ ăn cắp!”. Họ nhìn quanh và thấy một đám người cầm gậy gộc đang đi về phía họ.
       Người nhặt được chiếc ví đâm ra hoảng sợ.
      “Chúng ta chết mất nếu họ tìm được trong người chúng ta chiếc ví của họ,”
      “Ồ không, không” người kia đáp, “Hồi nãy ông không chịu bảo là ‘chúng ta’, thì bây giờ ông cũng đừng có nói là ‘chúng ta' đấy nhé. Phải giữ lấy lời. Phải nói là ‘Tôi sẽ chết mất.”
     Chúng ta đừng mong người ta chia sẻ với mình cái rủi mà lại không chịu chia sẻ với họ điều may mắn.
     14. SƯ TỬ VÀ LỪA
      Một hôm Sư tử kiêu hãnh đi xuống một cánh rừng, các loài thú vật nhìn thấy đều kính cẩn nhường đường cho sư tử, nhưng một con lừa be be buông lời ra một lời nhận xét đầy khinh thị.
        Sử tử cảm thấy hơi tức giận. Nhưng khi nó quay đầu nhìn lại và nhìn thấy kẻ đã nói, nó liền lặng lẽ tiếp tục bỏ đi. Nó chẳng muốn phí sức với một kẻ ngu ngốc, thậm chí chẳng thèm giương lên một cái vuốt.
      Không nên bực mình vì lời nói của một kẻ ngu ngốc, cứ coi như chẳng có gì.

     15. LŨ ẾCH MUỐN CÓ VUA
     Lũ ếch đã chán chường mệt mỏi với việc tự trị. Chúng đã được tự do quá nên lại đâm ra hư hỏng, chúng chẳng làm gì, cứ ngồi chán chường kêu ộp ộp và muốn có một chính phủ giúp cho chúng có được cuộc sống đế vương hoàng tộc, và cai quản chúng theo một cách thức để chúng biết là chúng có người đứng đầu cầm quyền. Chúng ta không thể vô chính phủ như thế này nữa, chúng tuyên bố. Thế là chúng trình thư kiến nghị lên thần Jupiter để xin một ông vua cho chúng.
      Thần Jupiter thấy chúng thô thiển và ngu ngốc quá, nhưng muốn chúng không kêu gào nữa và để cho chúng biết là chúng có vua, thần liền ném xuống một khúc gỗ lớn, rõi xuống ao văng nước lên tung tóe. Lũ ếch nấp mình vào đám lau sậy, nghĩ rằng chúng đã có một ông vua mới quyền uy đáng sợ. Nhưng chẳng bao lâu, chúng đã phát hiện ra Vua Khúc Gỗ của chúng hiền lành ít nói chẳng khác gì cục đất. Chẳng mấy chốc mấy con ếch con đã dùng vua để làm cái bệ nhảy để lao xuống nước, còn mấy ông ếch già lại dùng vua để làm nơi hội họp, ở đó chúng lớn tiếng phàn nàn với thần Jupiter về chính phủ của chúng.
       Để dạy cho lũ ếch một bài học, vị thần của các thần này liền phái xuống một con Ngỗng để làm vua nước ếch. Con Ngỗng tỏ ra khác hẳn so với vị vua Khúc Gỗ cũ. Nó gộp gộp quát lũ ếch đứng nghiêm, quay trái, quay phải suốt ngày, chẳng mấy chốc lũ ếch đã nhận ra sự ngu ngốc của mình. Ộp ộp rên rỉ, chúng van nài thần Jupiter rút lại vị vua tàn bạo này không thì cả lũ ếch của chúng chắc sẽ chết hết.
     "Thế nào!” Thần la lớn “Bây giờ lũ các ngươi vẫn chưa hài lòng sao? Các ngươi đã muốn gì có nấy thì bây giờ có sao các ngươi cũng cứ phải chịu.
       Đừng đứng núi này trông núi nọ

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2013

Cha tôi - nhà thơ Nguyễn Bính với giấc mộng trạng nguyên



 Cha tôi sinh ra ở làng Thiện Vịnh (Vụ Bản) một vùng chiêm trũng nghèo khó đất Nam Định. Mới ba tháng tuổi, cha tôi đã mồ côi mẹ. Gia đình túng thiếu gieo neo, ông nội tôi đành đi thêm bước nữa, cay cực chồng cay cực. Xót các cháu sớm bồ côi bồ cút, anh ruột bà nội, cha tôi gọi bằng cậu (tức ông Bùi Trình Khiêm, một nhà nho cuối mùa lỡ vận, ông trút bỏ bút lông ngả theo Tây học và tham gia phong trào Đông kinh nghĩa thục, bị mật thám Pháp bắt quản thúc tại nhà. Về lại quê ông mở trường dạy học, trong số các học trò ông sau này có nhiều người tên tuổi đã đi vào lịch sử như nhà sử học Đẩu Nam Trần Huy Liệu, nhà báo Hồ Xanh Nguyễn Thượng Cát…), ông cậu đã đem anh em của cha tôi về nuôi dạy.

Tuổi thơ cha tôi gắn liền với quê ngoại, thôn Vân đẹp và buồn tĩnh lặng như bức tranh thủy mặc:
Thôn Vân có biếc có hồng
hồng trong nắng sớm biếc trong vườn chiều
đê cao có đất thả diều
trời cao lắm lắm có nhiều chim bay…
Đó là Con đê Ất Hợi chạy qua làng, con đường liên huyện, hàng năm vào tháng giêng – ba, người ta trẩy hội Phủ Giầy:
Trên đường cát mịn một đôi cô
Yếm đõ khăn thâm trẩy hội chùa
Gậy trúc dắt bà già tóc bạc
Tay lần tràng hạt miệng nam mô
            (Xuân về)      
Thật là một bức tranh xuân quê đẹp và sáng tươi như cây lụa trắng, mẹ già chưa bán chợ đường xa. Nhưng vào kỳ lũ lụt thôn Vân nổi lên như một ốc đảo giữa bốn bề trời nước mênh mông, con đê Ất Hợi giờ như sợi chỉ mong manh thoi thóp quăng quật trong sóng cồn gió xoáy. Kỷ niệm về quê ngoại thôn Vân, những vui buồn sướng khổ đã in đậm dấu ấn trong ký ức cha tôi. 

Ông Bùi Trình Khiêm không chỉ là người thầy người mẹ truyền thụ cho cha tôi về văn chương chữ nghĩa, lòng yêu nước thương nòi, thói đời tình người, ứng nhân xử thế… Cha tôi may mắn sớm tiếp thu được nguồn học vấn uyên thâm từ người thầy của mình, người đã có ảnh hưởng quan trọng trong suốt cuộc đời văn nghiệp của ông. Vào thời vua Lê Cảnh Thống thế kỷ XVI, dòng họ này có người đỗ Tiến sĩ, nay còn bia đá trong Văn Miếu, tiếp sau vẫn có Hương cống, Sinh đồ… Trải mấy đời hiển đạt vẫn giữ lấy nếp nhà, mở trường dạy học lấy kế sinh nhai. Phải chăng chính vì xuất thân dính dáng ít nhiều đến dòng họ khoa bảng mà cha tôi luôn lưu giữ trong thơ mình giấc mộng Trạng nguyên như lưu giữ giá trị tinh thần của dòng tộc, và của cả một thời rực rỡ đã qua. Những Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, những võng điều, lọng tía, vinh qui bái tổ… là khao khát ước vọng của bao đời, gốc rễ hàng nghìn năm ấy đã hằn sâu trong tâm thức người dân Việt làm nên giá trị truyền thống dân tộc của mấy nghìn năm văn hiến.

Thời trước, người đỗ Trạng nguyên là người có học vị cao nhất, được nhà vua trọng dụng, ban cho quyền cao chức trọng, vinh hoa phú quí, bổng lộc cao sang, làm vẻ vang gia đình dòng họ, là niềm vinh dự tự hào của quê hương bản quán. Và có lẽ đó cũng là khao khát của chính cha tôi nên tần số quan Trạng xuất hiện trong thơ ông khá đậm đặc:
 Quan Trạng đi bốn lọng vàng
Cờ thêu tám lá qua làng Trang nghiêm
….
Thế rồi vua mở khoa thi
Thế rồi quan Trạng vinh qui về làng.
            (Quan trạng)

Rõ ràng quan Trạng đương trai
Vua cho chạy ngựa ba ngày xem hoa
            (Con nhà nho cũ)

Quan Trạng tân khoa tàn yến tiệc
Đi xem hoa nở mấy hôm liền
            (Xóm Ngự Viên)

Mặc khác giấc mộng Trạng nguyên ám ảnh không nguôi trong tâm tưởng cha tôi để rồi luôn day trở trong thơ ông có lẽ còn vì: ông quá nghèo, sinh ra trong một gia đình nhà nho quanh năm túng thiếu, làng quê khốn khó, lớn lên trong nỗi cay cực. Để có được bát cơm ăn, quanh năm suốt tháng người dân quê tôi phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời, cõng nắng gùi sương có khi phải đổi bằng tính mạng bởi sóng gió trên đồng lật thuyền dìm chết người cứu lúa. Vào kì chiêm khê mùa thối, mưa trắng đất trắng trời, xóa trắng mùa màng, đói mờ con mắt, cả trời đất chìm trong một màu xám xịt. Đói kém hoành hành, dân làng phải tha phương cầu thực. Làng xóm tiêu điều xơ xác. Cảnh thực là vậy, ảm đạm tang thương là vậy nhưng nơi đó là quê hương ông, nơi bao đời nhau rún tổ tiên, linh thiêng nguồn cội, người sống người chết quyện vào hồn cốt đất đai, ăn sâu bám rễ vào tâm hồn cha tôi. Ông đối mặt với hiện thực cuộc sống đói nghèo, ảm đạm tù túng cố hữu của làng quê bằng sự cảm thông máu thịt, yêu thương cháy bỏng, khát vọng khôn cùng, ước ao nuối tiếc một thời thanh bình yên ả đã qua, một thời chỉ có thể có trong thơ ông mà thôi:

“Thuở ấy làm sao thật thái bình
Trai hiền bạn với gái đồng trinh”
Đời say men rượu thơm hoa rụng
Tràn những thơ ngây ngập cảm tình.
            (hoa với rượu)
Hay:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo em rằng hát tối nay…
            (mưa xuân)

Cảnh ấy tình ấy là mộng hay là thực, là thực hay là mộng đây? Thực đấy và cũng là mộng đấy, hay nói cách khác cha tôi đã đem cái phần mộng của hồn vía mình phả vào cảnh thực của đời. Hình ảnh thực của một làng quê lam lũ nhọc nhằn bước vào thơ cha tôi hiển hiện một cách đẹp đẽ, đằm thắm tươi sáng và thơ mộng, ông không kêu ca tán thán rên xiết khổ đau. Với ông quê hương đó là những gì thiêng liêng tươi đẹp nhất. Những Tháng chạp hoa non nở cánh vàng, hay hội làng mở giữa mùa thu/giời cao gió cả trăng như ban ngày/ hồn anh như hoa cỏ may/ một chiều cả gió bám đầy áo em… và những mưa xuân, mùa xuân xanh, chân quê… được sinh ra từ những cảnh tình ấy. Đó là  khúc hát tâm tình ước vọng của người dân quê mà cha tôi là nghệ nhân của họ đã chạm khắc bức tranh quê ấy bằng hai phần đời thực và hồn mộng của mình. Từ cõi tâm linh của mình ông đã chạm vào cõi hồn quê, chạm vào cõi tâm linh của người dân quê. Và cũng có lẽ vì vậy mà đông đảo bạn đọc đã đồng hành cùng thơ ông suốt chiều dài năm tháng.

Trở lại thời xa xưa, trong cái xã hội thuần nông như ở nước ta, thì chuyện học hành thi cử là con đường duy nhất để lập nên công danh sự nghiệp. Và mỗi người ai có bổn phận nấy, trách nhiệm xã hội phân công rõ ràng, người đàn ông - người chồng chuyên tâm dùi mài kinh sử, sự nghiệp công danh, còn phụ nữ - người vợ sớm hôm tần tảo nuôi chồng ăn học:
Một quan là sáu trăm đồng
Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi
Chồng tôi cưỡi ngựa vinh qui
Hai bên có lính hầu đi dẹp đường…
Tôi ra đón tận gốc bàng
Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem.
            (thời trước)
Tất cả đều chung giấc mơ đổi đời nhưng vào thời của cha tôi sự học hành đỗ đạt khoảng cách giữa mơ và thực quá lớn không dễ gì với tới. Những gì trong đời thực không thực hiện được thì chỉ có thực hiện được trong mơ ước, trong thơ. Và cũng chính vì khoảng cách quá lớn giữa thực và mơ nên khát khao càng cháy bỏng, chắp cánh cho mộng ước bay cao bay xa bù đắp sự thiếu hụt, sự không có của phần đời thực. Có lúc cha tôi mơ thấy mình đi thi rồi đỗ Trạng được công chúa gieo cầu kén làm phò mã:
Trong triều thi cử vừa xong
Trạng nguyên tôi đỗ kiệu hồng tôi sang
Quả kim cầu ở tay nàng
 làm sao lại ở giữa bàn tay tôi…
            (lạy giời cấm cửa rừng mai)
Còn trong đời thực, cảnh tình thực cha tôi đã gặp phải một tình yêu ngang trái bẽ bàng, gia đình bên nhà gái không chấp nhận cuộc hôn nhân vì bên gia đình cha tôi nghèo, so với nhà gái không môn đăng hộ đối, ông cám cảnh mình chua xót thốt lên:
Mấy khoa thi chót thầy ơi
Sao không thi đỗ để rồi làm quan
Để rồi lắm bạc nhiều vàng
Để cho con được lấy nàng thầy ơi!
            (nhà tôi)
           
Thế rồi sao? Giấc mơ bao giờ cũng huy hoàng tráng lệ, sự thật  hụt hẫng xót xa:
Đồn rằng đám cưới cô to
Nhà trai thuê chín chiếc đò đón dâu
Nhà gái ăn chín nghìn cau
Tiền cheo tiền cưới chừng đâu chín nghìn
Vậy là anh lái đò nghèo không cưới được người mình yêu vì thói đời đen bạc trọng phú khinh bần. Anh lái đò trở về với đời thực:
lang thang anh dạm bán thuyền
có người trả chín quan tiền lại thôi
để rồi một chiều kia có người con gái khác đang tơ muốn sang thuyền anh qua bãi tước đay, anh lái đò đã rất thực mà từ chối thẳng thừng với một lý do rất mộng:
sao cô không gọi sáng ngày
giờ thuyền tôi chở đã đầy thuyền mơ
con sông nó có đôi bờ
tôi chưa đỗ Trạng, thôi cô lại nhà.
Trải bao biến động dữ dội của lịch sử, dân tộc ta chịu sự chi phối không nhỏ, sự chi phối ấy mang giá trị cách mạng sâu sắc, nhưng kèm theo những giá trị mới mẽ được tạo lập, thì sự xáo trộn những giá trị tinh thần của người xưa để lại là điều không thể tránh khỏi. Giấc mộng Trạng nguyên trong thơ cha tôi càng là một bảo tàng lưu giữ giá trị tinh thần truyền thống ngàn xưa đó.

NGUYỄN BÍNH HỒNG CẦU

Nguồn: Hội Nhà văn

Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Noel 2012.


Cả nhà đi chơi Noel dù chẳng phải người theo đạo Thiên chúa giáo. Nhân có máy ảnh mình chụp cho con 
mây kiểu làm kỷ niệm.









     

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Bay lên các vì sao ô kìa vui ghê

Ngay 25/8, sinh nhật Hải Phong. Bố vắng nhà, ba mẹ con có một kế hoạch đi chơi riêng.
Bắt đầu là chơi vườn cổ tích, rồi đi shooping mua đồ, đi ăn và cuối cùng là ra bờ hồ chụp hình. Hai anh em sung sướng vì lâu lâu mẹ chưa cho đi chới, bữa nay lại được mua con quay Tosi, máy tính thông minh, Logo Trí Đức...cả hai nhảy lên ôm cổ mẹ: "hôm nay là ngay hạnh phúc nhất trên đời của con, con cảm ơn mẹ"
Hồ Vị Xuyên chiều 25/8/2012



Chủ nhân cao hứng vừa múa vừa hát: Bay lên các vì sao, ô kìa vui ghê...