Trang

Thứ Sáu, 17 tháng 6, 2011

Phải sống

Sao lại bỏ em hả anh? Tháng trước tụi mình còn quấn quýt bên nhau cơ mà. Người ta bảo: “Đừng chụp ảnh đôi, gở lắm”. Nhưng bọn mình cứ chụp. Những ảnh này chụp ở chùa Thầy, Bình doạ: “Đôi nào đi chùa Thầy về cũng đều tan rã cả”. Em cãi. Thế mà bây giờ nó lại đúng. Chẳng nhẽ Phật cũng biết ghen hả anh?
Anh mang thiếp cưới đến. Chẳng phải đám cưới anh đâu, anh nhỉ. Anh đùa em đấy tôi ! Em xé đi nhé ! Xé này… Xé hết này…
Sao mày cứ lảm nhãm một mình vậy? Xé hết ảnh rồi à? Thôi cũng được. Mai này, hay là mày về quê nghỉ một thời gian cho thư thả.
- Về quê ư? Về làm gì cái mảnh đất buồn như trấu cắn. Chẳng phải mày và tao đã vất vả lắm mới ở lại đây được hay sao? Ừ, nhưng mày cứ mua vé cho tao đi. Tao cũng muốn gặp ngoại lần cuối. Rồi sẽ đi…
Tôi rúc đầu vào ngực ngoại thút thít khóc. Ngoại khẽ lắc đầu, gỡ tóc cho tôi và cố dỗ dành. Phải bé lại và sà vào lòng ngoại, cọ má vào làn da nhăn nheo của ngoại, mới thấy hết cái yêu thương, trìu mến. Cảm giác dịu vợi đi rất nhiều. Tôi ở lại. Năm ngày, mười ngày… Ngoại kể cho nghe biết bao nhiêu chuyện.
Ngày xưa…
1. Chuyện ông Ước
Người ta hay gọi là ông “Ao Ước” vì ông hay mơ mộng:
Ước gì tôi lấy được nàng
Để tôi mua gạch Bát Tràng về xây
Ông thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và làm thơ, đặt vè cũng rất hay. Những lúc rỗi rãi ông đọc cho cả làng nghe. Ai cũng thích, cũng thuộc. Ông yêu bà Cúc. Bà Cúc là con nhà khá giả trong làng. Lại đẹp người, đẹp nết. Trai làng dập dìu ngoài ngõ, bà chẳng thiết. Đã từ lâu bà đem lòng yêu anh, chàng Ước – cái người hay chữ, được cả làng quý mến kia rồi. Hồi ấy, họ yêu nhau khiếp lắm ! Đi hái dâu, đi làm ruộng thế nào cũng tìm cách gặp nhau. Mẹ bà Cúc biết chuyện, cấm ngặt: “Mày lấy ai không lấy lại đi mơ tưởng cái thằng không cha không mẹ, nghèo kiết xác ấy làm gì? Rồi thì khổ một đời con ạ!”. Sau đó, cha mẹ bà Cúc gả bán bà cho con nhà ông chánh Tổng. Ông Ước buồn lắm. Chẳng nghĩ đến ăn uống. Mãi về sau mới lấy bà Miền.
Giờ thì con đàn cháu đống, vui vầy lắm.
2. Bà Miền
Bà Miền người Thanh Hoá. Chồng ốm chết. Bà bế con đi phiêu bạt khắp nơi. Năm đói, cực chẳng đã, bà phải cho đứa bé vào cái thúng bỏ ở ga tàu. Chẳng ngờ đêm thằng lớn đi tả rồi chết. Quay lại tìm đứa bé thì có ai đó đã mang đi. Đau đớn, tuyệt vọng, bà gục xuống gốc đa đầu làng. Ông Ước đi làm về, trông thấy, liền vực vào nhà. Ông nấu cho bà ta bát cháu, nhưng bà không ăn. Bà Miền chỉ đòi chết theo con. Ông Ước lựa lời khuyên nhủ mãi.
Bà cố mà sống. Bà vẫn còn một đứa con nữa. Nó có phúc được người ta nuôi nấng, sau này nhất định sẽ tìm bà. Lá rụng về cuội mà.
Tối ấy, trong gian nhà tranh, vách đất, họ kể cho nhau nghe quãng đời khốn khổ vừa qua. Rôi họ bấu víu lấy nhau. Bấy giờ đói kém, chẳng phải cưới hỏi gì, thế mà lại hạnh phúc.
Từ ngày ông Ước có vợ, tự dưng vui vẻ hẳn lên. Ông lại hay hát. Tối xuống, trẻ con, người lớn lại tụ tập đầy nhà. Dân làng, ai cũng quý. Có việc gì họ đều sang hỏi ý kiến ông. Có lần, bà Giỏi còn sang nhờ ông viết thư cho chồng…
Bà tôi cất giọng ngân nga:
Viết thư mà hỏi thăm chàng
Còn không hay đã đá vàng nơi nao
Hay rằng mắc phải con nào
Bùa yêu dại dột mà chàng quên tôi
Quên tôi tôi làm cho tan đám cỏ gà
Cho chim lạc tổ, cho cây lìa cành…
3. Bà Giỏi:
Ông Giỏi làm cán bộ trên tỉnh. Hồi đầu, cũng tử tế lắm. Tháng tháng gửi tiền gửi bạo về đều đặn. Sau, có cô văn thư, chẳng biết mồi chài thế nào mà ông ở tịt trên đó, không về. Nghe đồn có thằng con trai. Bà Giỏi cho cô em gái lên dò la, ai ngờ cô vợ hai cũng đáo để. Cô ta viết ngay thư về “mời bà chị lên em thưa chuyện”.
Bà Giỏi buồn lám. Bà tâm sự với ông Ước. Ông Ước chọc tức.
Mướp non nấu với gà đồng
Tranh nhau một mẻ xem chồng về ai
Chị ghen đứt ruột chị ra
Chồng chị thì quyết về ta phen này.
Nói vậy thôi, chứ ông Ước khuyên nhủ bà Giỏi khá lắm. Ông lại chắp biết viết thư hộ:
Em có nhẫn bạc cầm tay
Em có nhẫn bạc đeo tay
Nhẫn bạc em có, gia tài em không
Quạ đen quạ lại có công
Con chim phượng hoàng bóng bảy em không có gì.
Con vợ hai tim. Bà Giỏi cũng không làm to chuyện. Bà tần tảo nuôi ba đứa con. Đứa nào cũng cho ăn học tử tế. Ông Giỏi khi về hưu, hết chồi hết lộc thì mụ vợ hai cũng bỏ theo giai. Bà Giỏi biết chuyện gọi ông về sống với con. Bà tha thứ hết…
Thế đấy, chuyện đời phức tạp lắm con ạ. Ai cũng có nỗi khỗ riêng của mình. Cái mình là con người ta biết tìm cách vượt qua.
*
*        *
Tôi nhận được thư Hương. Nó viết”
“Mày đã bình tĩnh lại, tao rất mừng. Tao biết chỉ có ngoại là làm được điều đó thôi. Mày vẫn luôn luôn nghe lời ngoại mà ! Cũng đừng giận Tưiờng nữa nghe Mai ! Nó cũng có nỗi khổ riêng của nó. Tường cần có hộ khẩu, có công việc tốt. Cái đó mình làm sao mang lại cho Tường được. Tường lấy vợ, thế là xong một đời Tường. Chỉ có điều nó không hề yêu vợ. Nó vẫn còn yêu Mai nhiều, nhiều lắm. Hôm đám cưới, nó cứ hỏi về Mai. Nó nói mà cứ như người mất hồn. Rồi nó bỏ chạy giấu không cho tao nhìn thấy nó khóc…”
Tôi bỏ lá thư xuống bàn và đi ra khỏi nhà. Ngoài kia, gió từ sông Hồng thổi vào rười rượi. Tôi như ngửi thấy vị phù sa của đất, của nước quyện với hương lúa đương thì con gái. Hương vị quê hương gần gũi là thế mà sao đến tận bây giờ tôi mới tìm lại được. Lặng lẽ bên sườn đê, tôi mở cuốn nhật ký mới tinh ra, và viết: “Tôi là Mai. Tôi đã yêu, đã hạnh phúc và đã phải giã từ niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy vào giữa tuổi hai mươi. Nhưng tôi biết mình vẫn cần phải sống, để đi, bắt đầu từ làng quê yêu dấu của mình.

Góc nhà tôi

   Mùa hè. Hai con nghỉ học, suốt ngày nô đùa vui vẻ. Chồng sau giờ làm chơi thể thao, tối cùng cả nhà đi hóng gió. Cuộc sống thật mến thương. Mình dành thời gian chăm sóc con và trang hoàng nhà cửa. Mấy chậu hoa, cây cảnh từ ban công được đưa vào nhà. Ngôi nhà trông đáng yêu hơn. Sẵn máy ảnh, lưu giữ mấy tấm hình làm kỷ niệm.
             Hoa1 (5).JPG
                                       ( Khung cửa sổ màu xanh non)
              Hoa1 (3).JPG
                                     ( Phòng khách lúc nào cũng có hoa tươi)
                Hoa1 (2).JPG
                 ( Thi tiên Lý Bạch uống rượu bên gốc Cần thăng- Sản phẩm tự tạo)
                    Hoa1 (1).JPG
                                    (Bàn làm việc nhìn ra cửa sổ nơi có giò lan mới nở)
                               IMG_0032.JPG
                                           ( Và Mặt trời bé con 1 đang trầm tư...
                              Anh 5.JPG
                                            ....còn Mặt trời bé con 2 đang diễn trò).

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Bực mình

       Xuống trường phổ thông kiểm tra thực tập, cậu sinh viên bất hảo mặc bộ quần áo nhàu nát, tễ tượi, cái khăn quàng dài quấn loằng ngoằng ở cổ trông chẳng giống ai. Bực mình! Ban chỉ đạo TTSP xuống kiểm tra thực tập hỏi toàn những chuyện đâu đâu. Băn khoăn với câu hỏi, mình gọi điện hỏi khắp nơi, sự thực không hoàn toàn như vậy, cứ thấy bực mình.
       Đi ra chợ, chị hàng hoa quả nói giá cắt cổ, mình trả giá không bán, bỏ đi. Một tràng những lời độc địa thiếu văn hoá xổ ra xua đuổi. Bực mình! Sang chỗ khác, nho tươi, vừa về, mười quả như mười. Mình ưng ý lựa chừng cân rưỡi rồi không thèm mặc cả, đưa cho chị bán hàng đặt lên bàn cân. “Đi biếu hả, chị kỷ niệm thêm cho em cái túi đẹp nhé”. Vào nhà người quen hý hửng mang nho đi rửa. Mở túi ra, trời hỡi, cái gì thế này? Trước mắt mình là một túi nho thối. Thì ra trong lúc lấy tiền trả, người bán hàng đã đánh tráo túi nho. Bực mình! Chị hàng rau đon đả: “Em ăn rau đi, rau nhà chị đấy, không có thuốc đâu, nước trong lắm...”. Mình mua hai mớ về rửa, ngâm kỹ. Tối ăn xong cả nhà ôm bụng. Bực mình!
        Đi học về, cậu con trai học lớp 1 bịu xịu: “lần sau mẹ đừng bắt con tự làm nữa, cứ học thuộc câu văn của cô giáo rồi viết vào bài như các bạn mới được điểm mười. Thế bài hôm qua con được mấy? 7 điểm ạ. Nhưng con viết câu đúng cơ mà. Đây, mẹ xem đi, mẹ chẳng hiểu gì cả...Xem vở của con, 5 câu văn ngắn gọn, sạch sẽ, không mắc lỗi ngữ pháp, lỗi diễn đạt...chỉ không giống văn mẫu của cô. Bực mình!
       Buổi tối, cậu con trai loay hoay với 11 bài toán hóc búa, hết hỏi bố rồi lại hỏi mẹ. Hai vợ chồng loay hoay. Đây là toán lớp 2, dạy sao cho cái đầu non nớt vừa bước vào lớp 1 của cháu hiểu đây? Cậu con trai lại năn nỉ: Mai mẹ cho con đi học thêm đi, mẹ nhé! Thế ở lớp học thêm các bạn học gì?  Cô giáo cho các bạn làm bài mẫu, hôm sau ra đề, các bạn cứ thế chép lại, nhanh lắm. Con tự nghĩ nên làm bài lâu, cô và bạn gọi con là con rùa chậm chạp. Không biết trả lời con như thế nào. Quanh quẩn với mấy câu  hỏi và bài toán của cậu bé, thấy bực mình.
         Đứa cháu đang ôn thi đại học hỏi bài. Đề dễ thế mà cũng phải hỏi à? Nhưng cháu chẳng biết phát triển như thế nào. Thế cháu học Văn đến đâu rồi. Cháu học thuộc được 6 bài rồi. Học thuộc? Làm sao học được? Cháu ghi vào băng catxet, rồi mở ra nghe lại, nghe nhiều lần thì thuộc.Trời! Tôi mong cháu đỗ đại học, nhưng ngộ nhỡ cháu thi đỗ vào khoa Văn của tôi thì sao nhỉ??? Chả trách mấy cô câu sinh viên của tôi gọi Nguyễn Du là anh hùng giải phóng dân tộc; Tác giả củaThiên sứ” là Phạm Thị Hoài Thu; Rôbinxơn cùng sáu con chó làm chúa đảo hoàng...Không ngủ được, đầu chỉ nghĩ những chuyện không đâu. Bực mình!

Lối cũ

               Liêu xiêu màn đêm
               Liêu xiêu gió
               Liêu xiêu đường
               Nhớ cũng liêu xiêu...

               Em rẽ sang ngả nào
               Anh theo hoài không kịp
               Cồn cào cơn khát
               Tìm em trong men cay...

                Con đường này, ghế đá, hàng cây...
                Ta đã dìu nhau suốt một thời nông nổi
                Nhấp thêm một ly mới
                Cho lệ đắng tràn tim.
             
                Chếnh choáng hơi men
                Anh lại lạc về lối cũ
                Em không còn chờ nữa
                Liêu xiêu tình.

Lối xưa

Tình cờ lạc về lối xưa
Bâng khuâng nhớ thuở ta chưa là gì...

Đây quán lá, đây gốc si
Đây hàng liễu rủ đường đi lối về.
Nơi này nhẫn cỏ anh thề
Nơi này lá thắm em đề câu thơ
Nơi này riêng của ta xưa
Nơi này dệt những bài thơ cuộc đời...

Ngẩn ngơ trong gió tiếng người...
Em ơi, mình nói những lời...ngày xưa.

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Khát vọng

Thư Bích viết : “Ta vẫn tưởng ngươi như bức ảnh ngày ra trường, quần Jean, áo pull đen, túi đen, tay cầm tập bản thảo: phòng túng và xê dịch, không ngờ lại thấy ngươi nhỏ bé và cam chịu đến vậy. Định ở ẩn à ? Như ta, vô danh tiểu tốt đã đành. Còn người, người đã từng tung hoành trên các báo. Trở lại Hà thành đi thôi ! Đấy mới là mảnh đất tốt để người vùng vẫy, tung cánh…”
Không, Bích ơi, Hà Nội rộng lớn và kiêu sa quá, Hà Nội không dành chỗ cho tôi.
* * *
Ngày…..
“Em đến nhà anh ăn cơm nhé. Bố mẹ muốn gặp em”. “Mấy giờ?” 11 giờ. “Em để anh đến đón hay tự đến?”. “Để em tự đến”
9 giờ. Mình quyết định đến sớm để sửa soạn bữa cùng mẹ anh. Ngập ngừng trước cửa, thoáng nghe tiếng mẹ con anh.
- Sao không bảo nó đến sớm cho mẹ thử tay nghề? Con nhà nông mà trắng bưng trắng beo như nó chắc chẳng biết làm gì.
- Mẹ khắt khe quá đấy. Mai không phải không biết làm gì.
- Thế anh định lấy nó thật à? Mẹ không đồng ý. Đẹp trai lại được học hành tử tế như anh, lấy đâu chẳng được vợ đẹp. Mang nó về nhà mà nuôi báo cô à? Đã học Sư phạm lại còn học văn như nó thì xin làm sao được việc. Mà vội gì! Bố đang lo cho anh đi Mĩ tu nghiệp đấy. Con trai cần nhất là sự nghiệp.
Có phải mẹ anh đang nói không? Không thể như vậy được. Anh bảo mẹ tốt lắm cơ mà. Mình ù té chạy.
Ngày…
Thấy bảo: “Em viết báo cũng khá, hay là đi làm báo. Thày có mấy học trò làm tổng biên tập”. “Nhưng còn ước muốn dạy thơ Đường của em. Anh ấy bảo vào làm ở công ty bố anh ấy nhưng em không thể”. “Em đã quyết tâm như vậy, thày cũng mừng. Em biết đấy, thơ Đường là tâm huyết của cả đời thày. Có được những học trò như em, thày cũng yên lòng. Nhưng còn Tuấn thì sao, em yêu nó lắm cơ mà?”. “Em không đành lòng, nhưng chẳng còn sự lựa chọn nào khác”.
* * *
“Hãy chờ đợi, một năm nữa anh sẽ về đón em”. Một năm ấy dài như thế kỷ. Tôi đã chờ đợi anh. Đã chờ đợi! Những lá thư cũng thưa dần. Mẹ anh bảo: “Nó đi Mĩ rồi. Nó mải mê sự nghiệp, cháu không đợi được đâu”. Bẽ bàng. Cô đơn. Tủi phận. Trên bàn làm việc của tôi, bông hồng vàng thỉnh thoảng cứ rực lên, u sầu, nhức nhối.
Những chuyện ấy đã qua. Thày tôi bảo: “Đừng cố hành tâm như vậy. Bất thành trên đường đời ai cũng mẫn cảm. Người sâu sắc, sâu nặng thì cột chặt, đeo đẳng và ám ảnh. Xoay sở, loay hoay mãi cũng vậy thôi. Cố mà bình tâm, em ạ”. Nghe lời thày, tôi học cách sống thanh thản. Năm năm, bù trừ những cái Được - Mất tôi lớn lên rất nhiều.
“Ngày của tuổi” tôi không chuẩn bị gì nhưng các em lại mang đến rất nhiều thứ: hoa quả, bánh ga tô, một lọ hoa hồng vàng và cả tập thư của học trò cũ. Cô trò tôi kể chuyện, bình thơ và ca hát say sưa. Đến khuya, không khí trầm xuống.
“Có điều này em cứ băn khoăn mãi: Sao cô không ở lại Hà Nội mà lại về cái tỉnh lỵ nhỏ bé này. Kiến thức của cô phải ở lại Hà Nội mới xứng”. Một học trò rụt rè hỏi “Để được dạy các em đấy thôi. Nếu ở lại Hà Nội thì làm sao cô gặp được những cô cậu học trò chu đáo này” “Nhưng cũng có lý do riêng tư nữa, phải không ạ?”. Người khác chất vấn. “Ừ. Cô không phủ nhận. Nếu đã phải lựa chọn thì lựa cách nào cũng không tránh khỏi cái được, cái mất. Cô mong các em không phải lựa chọn như cô”. “Ôi, bọn em có việc làm là tốt rồi. Quê em nghèo lắm. Mà xin việc ở đâu thì cũng phải có tiền”. Trò khác tâm sự: “Ở quê em chỉ có hai nghề: dạy học và trồng lúa. Giáo viên thừa rất nhiều, con ông nông dân đi học thày giáo rồi lại trở về làm nông dân. Em không biết rồi đây sẽ ra sao. Bọn em sắp ra trường rồi:.
Thường thì trước những tâm sự của các em, tôi chỉ biết im lặng. Mấy năm nay trường tôi tuyển sinh ồ ạt. Ngoài diện chính quy còn đào tạo thêm mấy trăm hợp đồng. Chúng tôi có thêm thu nhập còn các em thì mệt mỏi vì phải thi công chức, phải loại bỏ lẫn nhau.
Giờ thì các em đã về cả. Trước mặt tôi là chồng thư của học trò cũ. Tôi mở ra đọc. Ngoài những lời chúc tụng, thăm hỏi xã giao, tôi đọc được những tâm sự, những nỗi niềm. Một học trò trăn trở:
Một tuần em dạy mười tiết Triết, bốn tiết Văn. Dạy Triết hoá ra lại thú vị hơn dạy Văn cô ạ. Dạy văn bây giờ máy móc như máy xát gạo. Cứ đổ vào là nghiền. Em khao khát có những lúc được như cô, đứng trước học trò, say sưa nói về những gì mình tâm đắc. Bây giờ em mới hiểu vì sao trước bao nhiêu cơ hội tốt, cô lại chọn về dạy Văn ở tỉnh này…”
Em đã đi lấy chồng và sinh một cháu gái. Nhanh quá phải không cô?”. Một em khác kể: “Ở làng em thừa giáo viên: 50 người chỉ lấy có 7, mà em lại không đủ can đảm để ăn bám bố mẹ nữa. Bây giờ, thế giới đã khép lại trước mắt em. Ước mơ trở thành cô giáo tưởng như đã đạt được khi bước chân vào trường Sư phạm nay lại hoá xa vời. Em chỉ còn biết hát ru con bằng những bài thơ Tagor, Ôngha Bécghôn để mơ một ngày đứng trên bục giảng. Điều đó rồi sẽ đến phải không cô?
Bức thư cuối cùng làm tôi hết sức xúc động - bức thư của một cậu học trò.
Em đang sống cùng với lũ. Những cơn lũ miền Nam Trung Bộ thật dữ dội. Đã một tháng nay trường học đóng cửa. Em và lũ học trò lớn mải mê cứu giúp đồng bào. Một cậu học trò đã bị nước cuôn trôi. Lênh đênh trên biển nước, em chợt nhớ bài giảng của cô: “Ông già và biển cả”. Khát vọng chiến thắng đàn cá dữ, khát vọng đi tìm cái đẹp… những khát vọng đó mới đẹp làm sao. Ở đây, giữa cái đói và cái rét người ta chỉ có một ước nguyện được sống yên ổn. Em không còn nghĩ đến những điều cao siêu nữa. Những ngày đầu vào đây, quả thật em đã nản chí. Thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống buồn, khác hẳn những gì thày hiệu trưởng nói trong lễ động viên thanh niên tình nguyện. Nhưng rồi em đã vượt qua tất cả. Cô biết vì sao không? Em nhớ lại những bài giảng của cô và em thấy ở em còn thiếu một ngọn lửa, ngọn lửa của lòng nhiệt tình và nhiệt tâm…”.
Cuối thư em viết:
Em không dám nói đến tình yêu vì em chưa bao giờ có nó cả. Có thể đó là mùi hoa sửa mỗi độ thu tàn hay mùi hoa hồng vàng trên bàn làm việc của cô cứ rực lên nhức nhối. Nhưng tình yêu chắc không giản đơn như một bài hát. Em đã đọc trộm thư anh Tuấn viết cho cô và em cảm nhận được điều đó. Trong thư anh Tuấn viết về khát vọng xây những cây cầu vượt thác, vượt đèo, vượt biển để nối những bờ vui. Lúc ấy, em thấy mình nhỏ bé và tầm thường quá. Chỉ  anh Tuấn với khát vọng đẹp đẽ của anh mới xứng với cô. Nghĩ lại những chuyện đó, em thấy mình thật ngốc nghếch. Ai lại đi so sánh các khát vọng với nhau bao giờ. Ở đây, mùa đông thật lạnh lẽo. Rừng xào xạc hát bài ca muôn thuở, bài hát về người con gái đã đánh cắp trái tim chàng trai mà không cho chàng biết”.
Một buổi tối thật dễ chịu. Tôi bước ra khỏi phòng. Ngoài kia, gió Sông Hồng thổi vào rười rượi. Từng đụn mây trắng đang ùn lên đổ về phương Bắc. Mặt trời sắp lên. Tôi nghĩ đến Tuấn và những cây cầu kỳ vĩ của anh. Ở nơi những cây cầu chắc không có chỗ cho tình yêu của tôi. Hãy cứ lên cao đừng dừng lại và cũng đừng bao giờ nhìn xuống đất, anh sẽ ngã đấy. Còn tôi, chính tại cái tỉnh lỵ nhỏ bé này tôi cũng đã tìm được chỗ dựa vững chắc cho những đam mê của mình. Tôi sẽ không cô đơn. Trên con đường tôi đi đã có những bạn đồng hành.