Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

Khát vọng

Thư Bích viết : “Ta vẫn tưởng ngươi như bức ảnh ngày ra trường, quần Jean, áo pull đen, túi đen, tay cầm tập bản thảo: phòng túng và xê dịch, không ngờ lại thấy ngươi nhỏ bé và cam chịu đến vậy. Định ở ẩn à ? Như ta, vô danh tiểu tốt đã đành. Còn người, người đã từng tung hoành trên các báo. Trở lại Hà thành đi thôi ! Đấy mới là mảnh đất tốt để người vùng vẫy, tung cánh…”
Không, Bích ơi, Hà Nội rộng lớn và kiêu sa quá, Hà Nội không dành chỗ cho tôi.
* * *
Ngày…..
“Em đến nhà anh ăn cơm nhé. Bố mẹ muốn gặp em”. “Mấy giờ?” 11 giờ. “Em để anh đến đón hay tự đến?”. “Để em tự đến”
9 giờ. Mình quyết định đến sớm để sửa soạn bữa cùng mẹ anh. Ngập ngừng trước cửa, thoáng nghe tiếng mẹ con anh.
- Sao không bảo nó đến sớm cho mẹ thử tay nghề? Con nhà nông mà trắng bưng trắng beo như nó chắc chẳng biết làm gì.
- Mẹ khắt khe quá đấy. Mai không phải không biết làm gì.
- Thế anh định lấy nó thật à? Mẹ không đồng ý. Đẹp trai lại được học hành tử tế như anh, lấy đâu chẳng được vợ đẹp. Mang nó về nhà mà nuôi báo cô à? Đã học Sư phạm lại còn học văn như nó thì xin làm sao được việc. Mà vội gì! Bố đang lo cho anh đi Mĩ tu nghiệp đấy. Con trai cần nhất là sự nghiệp.
Có phải mẹ anh đang nói không? Không thể như vậy được. Anh bảo mẹ tốt lắm cơ mà. Mình ù té chạy.
Ngày…
Thấy bảo: “Em viết báo cũng khá, hay là đi làm báo. Thày có mấy học trò làm tổng biên tập”. “Nhưng còn ước muốn dạy thơ Đường của em. Anh ấy bảo vào làm ở công ty bố anh ấy nhưng em không thể”. “Em đã quyết tâm như vậy, thày cũng mừng. Em biết đấy, thơ Đường là tâm huyết của cả đời thày. Có được những học trò như em, thày cũng yên lòng. Nhưng còn Tuấn thì sao, em yêu nó lắm cơ mà?”. “Em không đành lòng, nhưng chẳng còn sự lựa chọn nào khác”.
* * *
“Hãy chờ đợi, một năm nữa anh sẽ về đón em”. Một năm ấy dài như thế kỷ. Tôi đã chờ đợi anh. Đã chờ đợi! Những lá thư cũng thưa dần. Mẹ anh bảo: “Nó đi Mĩ rồi. Nó mải mê sự nghiệp, cháu không đợi được đâu”. Bẽ bàng. Cô đơn. Tủi phận. Trên bàn làm việc của tôi, bông hồng vàng thỉnh thoảng cứ rực lên, u sầu, nhức nhối.
Những chuyện ấy đã qua. Thày tôi bảo: “Đừng cố hành tâm như vậy. Bất thành trên đường đời ai cũng mẫn cảm. Người sâu sắc, sâu nặng thì cột chặt, đeo đẳng và ám ảnh. Xoay sở, loay hoay mãi cũng vậy thôi. Cố mà bình tâm, em ạ”. Nghe lời thày, tôi học cách sống thanh thản. Năm năm, bù trừ những cái Được - Mất tôi lớn lên rất nhiều.
“Ngày của tuổi” tôi không chuẩn bị gì nhưng các em lại mang đến rất nhiều thứ: hoa quả, bánh ga tô, một lọ hoa hồng vàng và cả tập thư của học trò cũ. Cô trò tôi kể chuyện, bình thơ và ca hát say sưa. Đến khuya, không khí trầm xuống.
“Có điều này em cứ băn khoăn mãi: Sao cô không ở lại Hà Nội mà lại về cái tỉnh lỵ nhỏ bé này. Kiến thức của cô phải ở lại Hà Nội mới xứng”. Một học trò rụt rè hỏi “Để được dạy các em đấy thôi. Nếu ở lại Hà Nội thì làm sao cô gặp được những cô cậu học trò chu đáo này” “Nhưng cũng có lý do riêng tư nữa, phải không ạ?”. Người khác chất vấn. “Ừ. Cô không phủ nhận. Nếu đã phải lựa chọn thì lựa cách nào cũng không tránh khỏi cái được, cái mất. Cô mong các em không phải lựa chọn như cô”. “Ôi, bọn em có việc làm là tốt rồi. Quê em nghèo lắm. Mà xin việc ở đâu thì cũng phải có tiền”. Trò khác tâm sự: “Ở quê em chỉ có hai nghề: dạy học và trồng lúa. Giáo viên thừa rất nhiều, con ông nông dân đi học thày giáo rồi lại trở về làm nông dân. Em không biết rồi đây sẽ ra sao. Bọn em sắp ra trường rồi:.
Thường thì trước những tâm sự của các em, tôi chỉ biết im lặng. Mấy năm nay trường tôi tuyển sinh ồ ạt. Ngoài diện chính quy còn đào tạo thêm mấy trăm hợp đồng. Chúng tôi có thêm thu nhập còn các em thì mệt mỏi vì phải thi công chức, phải loại bỏ lẫn nhau.
Giờ thì các em đã về cả. Trước mặt tôi là chồng thư của học trò cũ. Tôi mở ra đọc. Ngoài những lời chúc tụng, thăm hỏi xã giao, tôi đọc được những tâm sự, những nỗi niềm. Một học trò trăn trở:
Một tuần em dạy mười tiết Triết, bốn tiết Văn. Dạy Triết hoá ra lại thú vị hơn dạy Văn cô ạ. Dạy văn bây giờ máy móc như máy xát gạo. Cứ đổ vào là nghiền. Em khao khát có những lúc được như cô, đứng trước học trò, say sưa nói về những gì mình tâm đắc. Bây giờ em mới hiểu vì sao trước bao nhiêu cơ hội tốt, cô lại chọn về dạy Văn ở tỉnh này…”
Em đã đi lấy chồng và sinh một cháu gái. Nhanh quá phải không cô?”. Một em khác kể: “Ở làng em thừa giáo viên: 50 người chỉ lấy có 7, mà em lại không đủ can đảm để ăn bám bố mẹ nữa. Bây giờ, thế giới đã khép lại trước mắt em. Ước mơ trở thành cô giáo tưởng như đã đạt được khi bước chân vào trường Sư phạm nay lại hoá xa vời. Em chỉ còn biết hát ru con bằng những bài thơ Tagor, Ôngha Bécghôn để mơ một ngày đứng trên bục giảng. Điều đó rồi sẽ đến phải không cô?
Bức thư cuối cùng làm tôi hết sức xúc động - bức thư của một cậu học trò.
Em đang sống cùng với lũ. Những cơn lũ miền Nam Trung Bộ thật dữ dội. Đã một tháng nay trường học đóng cửa. Em và lũ học trò lớn mải mê cứu giúp đồng bào. Một cậu học trò đã bị nước cuôn trôi. Lênh đênh trên biển nước, em chợt nhớ bài giảng của cô: “Ông già và biển cả”. Khát vọng chiến thắng đàn cá dữ, khát vọng đi tìm cái đẹp… những khát vọng đó mới đẹp làm sao. Ở đây, giữa cái đói và cái rét người ta chỉ có một ước nguyện được sống yên ổn. Em không còn nghĩ đến những điều cao siêu nữa. Những ngày đầu vào đây, quả thật em đã nản chí. Thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống buồn, khác hẳn những gì thày hiệu trưởng nói trong lễ động viên thanh niên tình nguyện. Nhưng rồi em đã vượt qua tất cả. Cô biết vì sao không? Em nhớ lại những bài giảng của cô và em thấy ở em còn thiếu một ngọn lửa, ngọn lửa của lòng nhiệt tình và nhiệt tâm…”.
Cuối thư em viết:
Em không dám nói đến tình yêu vì em chưa bao giờ có nó cả. Có thể đó là mùi hoa sửa mỗi độ thu tàn hay mùi hoa hồng vàng trên bàn làm việc của cô cứ rực lên nhức nhối. Nhưng tình yêu chắc không giản đơn như một bài hát. Em đã đọc trộm thư anh Tuấn viết cho cô và em cảm nhận được điều đó. Trong thư anh Tuấn viết về khát vọng xây những cây cầu vượt thác, vượt đèo, vượt biển để nối những bờ vui. Lúc ấy, em thấy mình nhỏ bé và tầm thường quá. Chỉ  anh Tuấn với khát vọng đẹp đẽ của anh mới xứng với cô. Nghĩ lại những chuyện đó, em thấy mình thật ngốc nghếch. Ai lại đi so sánh các khát vọng với nhau bao giờ. Ở đây, mùa đông thật lạnh lẽo. Rừng xào xạc hát bài ca muôn thuở, bài hát về người con gái đã đánh cắp trái tim chàng trai mà không cho chàng biết”.
Một buổi tối thật dễ chịu. Tôi bước ra khỏi phòng. Ngoài kia, gió Sông Hồng thổi vào rười rượi. Từng đụn mây trắng đang ùn lên đổ về phương Bắc. Mặt trời sắp lên. Tôi nghĩ đến Tuấn và những cây cầu kỳ vĩ của anh. Ở nơi những cây cầu chắc không có chỗ cho tình yêu của tôi. Hãy cứ lên cao đừng dừng lại và cũng đừng bao giờ nhìn xuống đất, anh sẽ ngã đấy. Còn tôi, chính tại cái tỉnh lỵ nhỏ bé này tôi cũng đã tìm được chỗ dựa vững chắc cho những đam mê của mình. Tôi sẽ không cô đơn. Trên con đường tôi đi đã có những bạn đồng hành.


Không có nhận xét nào: