Sao lại bỏ em hả anh? Tháng trước tụi mình còn quấn quýt bên nhau cơ mà. Người ta bảo: “Đừng chụp ảnh đôi, gở lắm”. Nhưng bọn mình cứ chụp. Những ảnh này chụp ở chùa Thầy, Bình doạ: “Đôi nào đi chùa Thầy về cũng đều tan rã cả”. Em cãi. Thế mà bây giờ nó lại đúng. Chẳng nhẽ Phật cũng biết ghen hả anh?
Anh mang thiếp cưới đến. Chẳng phải đám cưới anh đâu, anh nhỉ. Anh đùa em đấy tôi ! Em xé đi nhé ! Xé này… Xé hết này…
Sao mày cứ lảm nhãm một mình vậy? Xé hết ảnh rồi à? Thôi cũng được. Mai này, hay là mày về quê nghỉ một thời gian cho thư thả.
- Về quê ư? Về làm gì cái mảnh đất buồn như trấu cắn. Chẳng phải mày và tao đã vất vả lắm mới ở lại đây được hay sao? Ừ, nhưng mày cứ mua vé cho tao đi. Tao cũng muốn gặp ngoại lần cuối. Rồi sẽ đi…
Tôi rúc đầu vào ngực ngoại thút thít khóc. Ngoại khẽ lắc đầu, gỡ tóc cho tôi và cố dỗ dành. Phải bé lại và sà vào lòng ngoại, cọ má vào làn da nhăn nheo của ngoại, mới thấy hết cái yêu thương, trìu mến. Cảm giác dịu vợi đi rất nhiều. Tôi ở lại. Năm ngày, mười ngày… Ngoại kể cho nghe biết bao nhiêu chuyện.
Ngày xưa…
1. Chuyện ông Ước
Người ta hay gọi là ông “Ao Ước” vì ông hay mơ mộng:
Ước gì tôi lấy được nàng
Để tôi mua gạch Bát Tràng về xây
Ông thuộc nhiều ca dao, tục ngữ và làm thơ, đặt vè cũng rất hay. Những lúc rỗi rãi ông đọc cho cả làng nghe. Ai cũng thích, cũng thuộc. Ông yêu bà Cúc. Bà Cúc là con nhà khá giả trong làng. Lại đẹp người, đẹp nết. Trai làng dập dìu ngoài ngõ, bà chẳng thiết. Đã từ lâu bà đem lòng yêu anh, chàng Ước – cái người hay chữ, được cả làng quý mến kia rồi. Hồi ấy, họ yêu nhau khiếp lắm ! Đi hái dâu, đi làm ruộng thế nào cũng tìm cách gặp nhau. Mẹ bà Cúc biết chuyện, cấm ngặt: “Mày lấy ai không lấy lại đi mơ tưởng cái thằng không cha không mẹ, nghèo kiết xác ấy làm gì? Rồi thì khổ một đời con ạ!”. Sau đó, cha mẹ bà Cúc gả bán bà cho con nhà ông chánh Tổng. Ông Ước buồn lắm. Chẳng nghĩ đến ăn uống. Mãi về sau mới lấy bà Miền.
Giờ thì con đàn cháu đống, vui vầy lắm.
2. Bà Miền
Bà Miền người Thanh Hoá. Chồng ốm chết. Bà bế con đi phiêu bạt khắp nơi. Năm đói, cực chẳng đã, bà phải cho đứa bé vào cái thúng bỏ ở ga tàu. Chẳng ngờ đêm thằng lớn đi tả rồi chết. Quay lại tìm đứa bé thì có ai đó đã mang đi. Đau đớn, tuyệt vọng, bà gục xuống gốc đa đầu làng. Ông Ước đi làm về, trông thấy, liền vực vào nhà. Ông nấu cho bà ta bát cháu, nhưng bà không ăn. Bà Miền chỉ đòi chết theo con. Ông Ước lựa lời khuyên nhủ mãi.
Bà cố mà sống. Bà vẫn còn một đứa con nữa. Nó có phúc được người ta nuôi nấng, sau này nhất định sẽ tìm bà. Lá rụng về cuội mà.
Tối ấy, trong gian nhà tranh, vách đất, họ kể cho nhau nghe quãng đời khốn khổ vừa qua. Rôi họ bấu víu lấy nhau. Bấy giờ đói kém, chẳng phải cưới hỏi gì, thế mà lại hạnh phúc.
Từ ngày ông Ước có vợ, tự dưng vui vẻ hẳn lên. Ông lại hay hát. Tối xuống, trẻ con, người lớn lại tụ tập đầy nhà. Dân làng, ai cũng quý. Có việc gì họ đều sang hỏi ý kiến ông. Có lần, bà Giỏi còn sang nhờ ông viết thư cho chồng…
Bà tôi cất giọng ngân nga:
Viết thư mà hỏi thăm chàng
Còn không hay đã đá vàng nơi nao
Hay rằng mắc phải con nào
Bùa yêu dại dột mà chàng quên tôi
Quên tôi tôi làm cho tan đám cỏ gà
Cho chim lạc tổ, cho cây lìa cành…
3. Bà Giỏi:
Ông Giỏi làm cán bộ trên tỉnh. Hồi đầu, cũng tử tế lắm. Tháng tháng gửi tiền gửi bạo về đều đặn. Sau, có cô văn thư, chẳng biết mồi chài thế nào mà ông ở tịt trên đó, không về. Nghe đồn có thằng con trai. Bà Giỏi cho cô em gái lên dò la, ai ngờ cô vợ hai cũng đáo để. Cô ta viết ngay thư về “mời bà chị lên em thưa chuyện”.
Bà Giỏi buồn lám. Bà tâm sự với ông Ước. Ông Ước chọc tức.
Mướp non nấu với gà đồng
Tranh nhau một mẻ xem chồng về ai
Chị ghen đứt ruột chị ra
Chồng chị thì quyết về ta phen này.
Nói vậy thôi, chứ ông Ước khuyên nhủ bà Giỏi khá lắm. Ông lại chắp biết viết thư hộ:
Em có nhẫn bạc cầm tay
Em có nhẫn bạc đeo tay
Nhẫn bạc em có, gia tài em không
Quạ đen quạ lại có công
Con chim phượng hoàng bóng bảy em không có gì.
Con vợ hai tim. Bà Giỏi cũng không làm to chuyện. Bà tần tảo nuôi ba đứa con. Đứa nào cũng cho ăn học tử tế. Ông Giỏi khi về hưu, hết chồi hết lộc thì mụ vợ hai cũng bỏ theo giai. Bà Giỏi biết chuyện gọi ông về sống với con. Bà tha thứ hết…
Thế đấy, chuyện đời phức tạp lắm con ạ. Ai cũng có nỗi khỗ riêng của mình. Cái mình là con người ta biết tìm cách vượt qua.
*
* *
Tôi nhận được thư Hương. Nó viết”
“Mày đã bình tĩnh lại, tao rất mừng. Tao biết chỉ có ngoại là làm được điều đó thôi. Mày vẫn luôn luôn nghe lời ngoại mà ! Cũng đừng giận Tưiờng nữa nghe Mai ! Nó cũng có nỗi khổ riêng của nó. Tường cần có hộ khẩu, có công việc tốt. Cái đó mình làm sao mang lại cho Tường được. Tường lấy vợ, thế là xong một đời Tường. Chỉ có điều nó không hề yêu vợ. Nó vẫn còn yêu Mai nhiều, nhiều lắm. Hôm đám cưới, nó cứ hỏi về Mai. Nó nói mà cứ như người mất hồn. Rồi nó bỏ chạy giấu không cho tao nhìn thấy nó khóc…”
Tôi bỏ lá thư xuống bàn và đi ra khỏi nhà. Ngoài kia, gió từ sông Hồng thổi vào rười rượi. Tôi như ngửi thấy vị phù sa của đất, của nước quyện với hương lúa đương thì con gái. Hương vị quê hương gần gũi là thế mà sao đến tận bây giờ tôi mới tìm lại được. Lặng lẽ bên sườn đê, tôi mở cuốn nhật ký mới tinh ra, và viết: “Tôi là Mai. Tôi đã yêu, đã hạnh phúc và đã phải giã từ niềm hạnh phúc ngọt ngào ấy vào giữa tuổi hai mươi. Nhưng tôi biết mình vẫn cần phải sống, để đi, bắt đầu từ làng quê yêu dấu của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét