Trang

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2011

Bài thơ số 27

                                    Tôi đang đi dạo trên con đường cỏ xanh
                                    bỗng nghe có tiếng hỏi sau lưng:
                                   “Này, anh có biết tôi không?”
                                    Tôi quay lại nhìn cô ta rồi nói:
                                  “Tôi không sao nhớ được tên nàng”.
                                    Nàng nói: “Tôi là nỗi buồn lớn đầu tiên
                                    anh đã gặp khi anh còn trẻ”.
                                    Đôi mắt nàng trông như buổi bình minh
                                    mà không khí vẫn còn sương đọng.
                                   Tôi đứng lặng giờ lâu rồi mới nói:
                                   “Nàng đã bỏ rơi cả gánh lệ rồi chăng?”
                                   Nàng mỉnh cười nhưng vẫn làm thinh.
                                   Tôi cảm thấy những giọt lệ của nàng
                                   đã có đủ thời gian
                                   để học ngôn ngữ của nụ cười mới mẻ.
                                  Nàng thầm thì
                                 “Đã có lần anh nói
                                  anh sẽ yêu quý trọn đời
                                  tiếng than thở của anh”
                                  Tôi xấu hổ trả lời: “Vâng, có,
                                  nhưng năm tháng trôi qua
                                  và tôi đã quên rồi”
                                  Rồi tôi nắm tay nàng, và nói:
                                “Nhưng nàng đã đổi thay nhiều”
                                 Nàng nói: “cái gì đã từng là sầu muộn
                                 thì nay trở thành yên vui”.
          Khi đọc đến bài thơ này, tôi đã dừng lại rất lâu và thầm thán phục thiên tài bất hủ Rabinđranath Tagor. Với Tagor, dường như tất cả đều có thể trở thành thơ. Một đôi mắt boăn khoăn buồn, một nụ cười, một niềm vui, sự im lặng hay chút thoáng giật mình... cũng gợi lên trong lòng nhà thơ bao cảm xúc. Bài thơ số 27 (Người thoáng hiện) đã kể lại một trong những niềm xúc cảm đó.
            Bài thơ được mở đầu bằng một không gian đẹp đẽ, thoáng trong: con đường cỏ xanh, và nhân vật trữ tình đang một mình dạo chơi trên con đường đó. Tâm hồn anh chắc hẳn cũng rất thư thái, yên vui. Chính lúc này, một cuộc gặp gỡ thú vị đã diễn ra:
                        Bỗng nghe có tiếng gọi sau lưng
                        “Này anh có biết tôi không?”
                        Tôi quay lại, nhìn cô ta rồi nói:
                        “Tôi không sao nhớ được tên nàng”
            Một cuộc gặp gỡ hết sức bình thường và một sự lãng quên hết sức thường tình. Trong cuộc đời, ai đã chẳng một lần bất chợt quên tên, quên mặt một người thân thích. Sự việc sẽ chẳng có gì đáng bàn nếu chúng ta không đọc tiếp những câu thơ sau:
                        Nàng nói: “Tôi là nỗi buồn lớn đầu tiên
                        anh đã gặp khi anh còn trẻ”
            Hoá ra, nhân vật thứ hai mà chúng ta được biết đến trong bài thơ là một nỗi buồn, một nỗi buồn có giọng nói, có tên gọi, có hình hài. Thật thú vị biết bao! Câu thơ xoá nhoà ranh giới giữa thực và ảo, chuyển không gian thực thành không gian tâm tưởng. Và trên cái nền của không gian đó, nhà thơ làm hiện rõ dáng vẻ của nỗi buồn:            
                        Đôi mắt nàng trông như buổi bình minh
                       mà không khí vẫn còn sương đọng.
            Hình ảnh so sánh: “Buổi bình minh” thường gợi cho chúng ta ấn tượng về cái đẹp, sự tươi mới và trong trẻo, với gió nhẹ, cây lá tươi non, nắng mới lên... Cảnh vật ấy lại càng đẹp hơn trong màn sương lung linh huyền ảo. Mắt Nàng như vậy đó, vừa trong trẻo như buổi bình minh, lại vùa u buồn như một làn sương đọng. Nói mắt là để nói con người. Tago vốn rất tiết kiệm câu chữ. Ông thường không tả ngoại hình mà thiên về miêu tả nội tâm. Và đôi mắt chính là một phương thức, một công cụ để nhà thơ miêu tả, khắc hoạ cái bề trong, cái bề sâu của nhân vật.
            Từ điểm nhìn đôi mắt, nhà thơ dắt dẫn người đọc đi sâu khám phá thế giới nội tâm của Nàng- nỗi buồn.
                        Tôi đứng lặng giờ lâu rồi mới nói:
                        “ Nàng đã bỏ rơi cả gánh lệ rồi chăng?”
                        Nàng mỉm cười nhưng vẫn làm thinh.
                        Tôi cảm thấy những giọt lệ của nàng
                        Đã có đủ thời gian
                        để học ngôn ngữ của nụ cười mới mẻ.
            Chỉ qua một vài từ ngữ: gánh lệ, giọt lệ, nhà thơ đủ để cho người đọc cảm nhận và hình dung ra nỗi buồn trong quá khứ của Tôi. Đó có thể là nỗi buồn vì sự ra đi của người tình: “Em đã bỏ anh và theo đuổi con đường của em”(46- NLV); có thể là sự chia xa của người thân hay những vấp ngã trong cuộc đời... Song, phơi bày nguyên nhân của nỗi buồn không phải là mục đích của Tago. Điều mà nhà thơ muốn người đọc khám phá là diễn biến của nỗi buồn đó qua thời gian như thế nào.
            Đoạn thơ diễn ra dưới hình thức một màn đối thoại ngắn. Ở đó chỉ có lời hỏi của Tôi, còn lời đáp, là nụ cười và sự im lặng của Nàng. Trong thơ Tago, ta bắt gặp rất nhiều những sự im lặng, cảnh im lặng, giây phút im lặng, người im lặng... Im lặng cũng là một thứ ngôn ngữ, là đỉnh cao của âm thanh. Im lặng thường biểu hiện nhiều trạng thái nội tâm như buồn, giận, khổ đau hoặc suy tư, nghĩ ngợi. Im lặng có lúc là thái độ phản ứng bất bình, có lúc biểu thị thái độ đồng tình không nói ra. Trong bài thơ này, im lặng chính là sự đồng tình. Bởi vậy, dù Nàng không nói ra, nhưng Tôi vẫn cảm nhận được câu trả lời của Nàng, cảm nhận được sự đổi thay của Nàng. Gánh lệ ngày xưa, qua năm tháng nay chỉ còn là giọt lệ, và giọt lệ đó cũng biết nói ngôn ngữ của nụ cười mới mẻ. Ở đây có sự xuyên thấm giữa Tôi và Nàng. Nàng trả lời bằng sự đồng điệu với tâm hồn Tôi, và Tôi cảm nhận được Nàng qua ngôn ngữ đầy sâu xa và ẩn ý của sự im lặng. Với cách diễn đạt này, nhà thơ đã khéo léo chuyển đối thoại bằng lời giữa hai chủ thể nói thành đối thoại tâm linh. Và như vậy, nhân vật Nàng không nên hiểu là một người nào đó rất cụ thể và tách rời Tôi. Nàng tực chất là một bộ phận, một khía cạnh của con người Tôi, là sự nhập vai của Tôi. Nói khác đi, nhân vật trữ tình xưng Tôi đã tự phân thân để đối thoại với chính mình, lý giải và nắm bắt chính con người mình. Đọc đoạn thơ cuối cùng trong bài, ta sẽ hiểu rõ hơn điều đó.
                        Nàng thầm thì
                        “Đã có lần anh nói
                         Anh sẽ yêu quý trọn đời
                         tiếng than thở của anh”
                        Tôi xấu hổ trả lời: “Vâng, có,
                        nhưng năm tháng trôi qua và tôi đã quên rồi”
                       Rồi tôi nắm tay nàng, và nói:
                     “ Nhưng nàng đã đổi thay nhiều”
                       Nàng nói: “Cái gì đã từng là sầu muộn
                       thì nay trở thành yên vui”
            Đoạn thơ mở ra hai chiều của thời gian: thời gian quá khứ gắn với lời hứa của Tôi và thời gian hiện tại gắn với lời thú tội của Tôi. Trong khoảng thời gian đó đồng thời diễn ra diễn biến tâm trạng của hai nhân vật Tôi và Nàng. Tôi hứa sẽ chung thuỷ với Nàng- nỗi buồn của Tôi, rồi quên mất lời hứa; và cuối cùng xấu hổ về sự thất hứa của mình. Còn Nàng cũng đổi thay nhiều, đã đổi giọt lệ ngày xưa thành nụ cười mới mẻ. Hai tâm trạng nhưng thực chất là của một con người, là tâm lý và sự biểu hiện diễn biến tâm lý của nhân vật trữ tình. Diễn biến tâm lý đó được thể hiện dưới hình thức đối thoại giữa người hỏi và người đáp như một màn kịch nói. Trong màn kịch đó, triết nhân Tago đã dùng đối thoại để lý giải một khái niệm, một vấn đề. Màn kịch trong bài thơ số 27 đã đến hồi kết thúc. Ý nghĩa tư tưởng của toàn bộ vở kịch được đúc kết trong một câu nói giàu ý nghĩa triết lý: “Cái gì đã từng là sầu muộn thì nay trở thành yên vui”.
            Thơ Tago là như vậy. Trong khổ đau, nghèo nàn và chết chóc, tiếng thơ Tago vẫn đem đến cho ta niềm lạc quan, tin tưởng. Tư tưởng này xuyên suốt trong các sáng tác của nhà thơ. Ở bài thơ số 18- Vượt biển, ông viết:
                        Tôi biết rằng cuộc đời này
                        dù không chín rộ trong tình yêu
                        cũng không phải đã mất đi tất cả.
            Sự khổ đau, mất mắt trong cuộc đời và trong tình yêu là điều không tránh khỏi. Nhưng, nỗi đau trong thơ tình Tago làm cho con người cao cả, dũng cảm và hào hiệp thêm. Đã có lần, Tago nói đau khổ cũng đẹp như một vòng hoa. Đó là đặc trưng tư duy mỹ học của người Ấn Độ. Họ cho rằng cái chết cũng đẹp như sự sống, chết là bất tử. Vì vậy, họ vừa trân trọng niềm vui, vừa trân trọng cả nỗi đau:
                        “Thật anh dũng thay
                        khi dám ôm ấp nỗi buồn đau và quyết định không cần ai an ủi”
            Trân trong nỗi đau, nhưng không bao giờ Tago khuyên con người ôm ấp mãi nỗi buồn đau của mình. Cũng trong bài thơ 46- NLV, ông viết:
                        “Tình của ta ơi
                        Các ngươi hằng biết rằng chúng ta không trường cửu
                        thế thì khôn ngoan gì mà đập vỡ trái tim mình
                        vì một con người đã mang trái tim của họ đi xa?
                       Bởi thời gian ngắn ngủi”.
            Và nhà thơ khuyên mọi người biết “lau khô dòng lệ. Và đổi thay điệu hát của mình”.
            Tôi đọc được tất cả những điều đó trong bài thơ số 27 của Tago. Dưới hình thức đối thoại với nỗi buồn, nhà thơ đi sâu phân tích tâm linh, vừa tự vấn lương tâm mình, lại vừa lý giải, biện hộ cho mình, để cuối cùng khẳng định một chân lý: phải biết biến cái sầu muộn thành niềm vui để sống có ý nghĩa hơn!


 

Không có nhận xét nào: