Nam Định là một vùng phong phú về dân ca của xứ Nam. Âm nhạc dân gian giữ một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân. Nó đến với người dân từ khi lọt lòng mẹ, đến khi họ trở về lòng đất.
Đó là những câu hát ru sâu lắng, vời vợi tình nghĩa cho trẻ bên võng, bên nôi, là những khúc ưu thủy, hành văn, lâm khốc...của phường bát âm khi con người bước vào cõi vĩnh hằng.
Trong những ngày lễ Tết, ngày hội, những đêm trăng thanh gió mát, các chàng trai, cô cô thôn nữ có dịp làm quen, ướm hỏi, ướm duyên qua những câu hát: ví, trống quân, cỏ lả, những câu hát tỏ tình, trao duyên tế nhị, tình tứ, lời hát:
Chàng ơi ăn miếng trầu vàng
Rồi em thưa tỏ đôi đàng phân minh
Trầu này trầu nghĩa trầu tình
Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta
Rồi đây mỗi bước mỗi xa
Trầu vàng có nhớ, tình đà cứ sang...
Gặp đây ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng
Nam Định còn có nhứng hình thức âm nhạc riêng biệt và độc đáo là hát chầu văn, hát xẩm, hát ả đào
- Hát chầu văn: là hình thức hát trước đền, phủ trong những ngày tế lễ mà ta thường gặp ở các hội: Hội lễ Phủ Giầy – nơi thờ bà Liễu Hạnh; đền Bảo Lộc – nơi thờ Đức thánh Trần; đền Cây Quế...
Hình thức hát này vẫn còn ở các điện thờ trong từng khu vực, trong từng gia đình vào những ngày rằm, mồng một hàng tháng. Ta thường gọi đám hát này là đội cung văn. Cặp hát Kim Liên – Thế Tuyền (Kim Liên hát, Thế Tuyền đàn) là cặp đàn hát nổi tiếng trong nước. Hai nghệ sĩ được nhà nước phong tặng nghệ sĩ ưu tú
- Hát xẩm: Là đặc trưng của dòng hát chuyên nghiệp của các nghệ nhân đi hát rong. Ta thường bắt gặp họ ở các chợ, bến xe, bến đò,...Những điệu hát xẩm thường gặp là: Điệu Thập ân: đây là điệu hát phổ biến trong hát xẩm, kể về 10 điều ân nghĩa của cha mẹ với con cái. Vì thế giai điệu mang đặc trưng kể lể, tự sự, miêu tả được sự khắc khổ bằng hình tượng âm than. Điệu ba bậc: nỗi niềm được giải bầy một cách tình cảm, với gia điệu lượn sóng, cách tiết nhạc được cắt nhịp theo lời ca từng cụm từ từ hai đến bốn từ làm cho sự nhấn mạnh càng được rõ nét. Điệu Huê tình xẩm chợ: là lời khuyên nhủ, tựa như một lời tâm sự dặn dò. Cả ba câu văn (6-8-6) được hát liền một mạch thành một trổ hát như dốc bầu tâm sự với người nghe. Điệu Hà liễu: các nghệ nhân thương được gọi là điệu nhân tư giai điệu trữ tình tha thiết.
Nghệ nhân Hà Thị Cầu, người thôn Sở Thượng, xã Yên Phú, huyện Ý Yên, hơn 60 năm qua chuyên đi hát xẩm nuôi gia đình. Bà đã lưu giữ được viên ngọc quý của âm nhạc quê hương. Năm 1993, Nhà nước đã phong tặng cho bà danh hiệu nghệ sĩ ưu tú.
- Hát ả đào (ca trù): đào hát và kép đào ăn mặc chỉnh tề ngồi trên chiếu cạp điều. Cô đào hát đẹp, duyên dáng với giọng hát trong trẻo, tay gõ phách hòa cùng tiếng đàn đáy của kép hát, có tiếng trống chầu của người thưởng thức. Với tiết tấu khoan thai, nhàn tản đã tạo nên một khung cảnh nghệ thuật trang nhã, sang trọng hòa quyện sự tâm đắc của người hát, người đàn và người nghe.
Bà Thanh Lâm (tức bà Chánh Sim) ở phố Hàng Sắt, thành phố Nam Định là một nghệ nhân hát ca trù nổi tiếng của xứ Nam./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét